ISSN-2815-5823
Thứ năm, 10h36 26/10/2023

Kỳ 1: “Khát vọng” của dân tộc Việt Nam

(KDPT) - Khát vọng của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, từng bước sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới.

Để có được thành công thì phải có “khát vọng”. Khi nói và đề cập đến “khát vọng” đó là sự mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp, khao khát, sự quyết tâm dồn hết tâm huyết, sức lực, trí tuệ, sự sáng tạo với một sức thôi thúc mạnh mẽ… để đạt được mục tiêu đã xác định; là nguồn động lực có sức mạnh to lớn để mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi người thực hiện thành công những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được ước mơ, hoài bão của mình; không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách. Đối với quốc gia, dân tộc, đó là động lực để mọi tầng lớp nhân dân phát huy cao nhất sức mình nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Khát vọng của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, từng bước sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới. Khát vọng được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, như: Cơ sở lý luận và thực tiễn; yếu tố dân tộc, truyền thống, lịch sử dựng nước và giữ nước… đặc biệt là sự lãnh đạo và đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta… là yêu cầu, lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là nội dung rất quan trọng được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, là sự phát triển mới, lần đầu tiên được xác định trong Văn kiện Đại hội của Đảng. Đây là điểm nhấn quan trọng trong tư duy, sự phát triển nhận thức của Đảng về sức mạnh nội sinh của dân tộc và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới, được lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân biểu thị sự nhất trí cao, góp phần xây dựng nên Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngay sau thành công của Đại hội XIII, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị cơ sở (nói chung), trong đó có Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (nói riêng) đã có chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện việc quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và hiện thực hóa mục tiêu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng. Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ những điều kiện và cơ hội “chín muồi” như lời đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và điều đó cũng thêm một lần nữa được khẳng định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để doanh nghiệp nhà nước trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, góp phần thực hiện “khát vọng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những dấu mốc son, sự kiện lịch sử quan trọng… của dân tộc Việt Nam và đóng góp của doanh nghiệp nhà nước từ khi hình thành, phát triển cùng đất nước với các nội dung sau đây.

Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam

Lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước gắn bó với nhau; dựng nước luôn luôn gắn chặt với giữ nước, trong đó dựng nước là yếu tố cơ bản; phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, với khát vọng độc lập, hòa bình đã trở thành động lực to lớn, nguồn lực nội sinh của dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được nhắc đến trong buổi bình minh lịch sử, nước Văn Lang - Âu Lạc (từ khoảng 3000 - 179 trước công nguyên); đến cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ, tiến tới xây dựng quốc gia phong kiến độc lập (từ cuối thế kỷ II trước công nguyên đến đầu thế kỷ X) và công cuộc dựng nước và giữ nước từ thế kỷ XV; và từ khi Cách mạng tháng Tám thành công (tháng 8/1945) cho đến nay.

Trong các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phải kể đến là từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa của triết học và văn hóa phương Đông và phương Tây mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911) và đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin (năm 1920), thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930). Cuối tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Người trịnh trọng tuyên bố: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Lịch sử đã chứng minh, cách mạng tháng Tám (năm 1945) ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân điển hình ở một nước thuộc địa nửa phong kiến do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sau khi giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Dưới ngọn cờ của Đảng, toàn thể nhân dân ta chung sức, chung lòng tiến hành cuộc cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức và đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954; là chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ ngụy quyền tay sai mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; là chiến thắng oanh liệt hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước

Cứu nước, giành độc lập cho dân tộc đã khó nhưng dựng nước và giữ nước lại muôn vàn khó khăn hơn. Với thế giới quan duy vật và nhân sinh quan của người Cộng sản, với nhãn quan chính trị và tầm nhìn chiến lược, nên ngay từ ngày đầu khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ, tháng 9/1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng chính quyền nhân dân, tổ chức tổng tuyển cử, vũ trang toàn dân và xây dựng quân đội nhân dân, động viên tổ chức nhân dân, củng cố mặt trận thống nhất, đặt luật lao động, thực hiện giảm tô, giảm tức, bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, xây dựng văn hóa mới… chăm lo xây dựng và củng cố quốc phòng. Do đó, đất nước đã nhanh chóng vượt qua nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử năm 1945, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương được củng cố, lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành, tạo nền tảng quan trọng để quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Bác Hồ chủ trương: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chặn đánh làm chậm tốc độ tiến công của kẻ thù ở phía Nam đất nước, vừa xây dựng tiềm lực và chuẩn bị hậu phương kháng chiến. Mục tiêu chiến lược của cách mạng lúc này là phải diệt cho được cả ba loại giặc là: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vận dụng thành công bài học kết hợp dựng và giữ nước trong lịch sử, Đảng ta và Bác Hồ đã phát huy được sức mạnh toàn dân, sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược giải phóng Tổ quốc. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tư tưởng chỉ đạo dựng nước đi đôi với lo giữ nước lại được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một bước cao hơn thành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong đó, Bác xác định rõ: “Xây dựng miền Bắc là cái nền, cái gốc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Nhờ có tư tưởng, đường lối và nhiệm vụ chiến lược đúng đắn của Đảng, quân và dân ta đã xây dựng miền Bắc vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ham muốn tột bậc của Bác Hồ

Đầu năm 1946, Bác nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc, năm 1951. (Ảnh: Tư liệu)

Sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các nhà báo nước ngoài đặc biệt quan tâm đến tiểu sử của Người, nhất là khi đoán biết người chính là Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng từ lâu đã nổi tiếng là chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc và cho phong trào cộng sản quốc tế. Họ hỏi Bác về rất nhiều điều, cả lý do và ý định của Bác khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Bác đã trả lời ngắn gọn những câu hỏi ấy, và để cho “Đồng bào trong nước và các nhân sĩ nước ngoài đều biết”, Người đã cho công bố nội dung những câu trả lời ấy trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946 . Toàn văn đoạn trích dẫn đã nêu trên như sau:

“Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Câu nói thật giản dị mà thấm đậm triết lý cao sâu! “Ham muốn tột bậc” của Bác Hồ chính là khát vọng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh suốt 80 năm chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến để giành lại độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới. “Ðộc lập, tự do, hạnh phúc” là lý tưởng chiến đấu, là lẽ sống, là hệ giá trị vô giá mà Bác Hồ đề ra cho việc xây dựng đất nước, trước đây cũng như hiện nay. Vì lý tưởng ấy, vì hệ giá trị ấy mà nhân dân ta đã đi theo Ðảng làm Cách mạng tháng Tám thành công, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, và ngày nay đang tiến bước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

“Ham muốn tột bậc” của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với Người, không có hạnh phúc nào lớn hơn là hạnh phúc được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Trong giáo dục cán bộ và đảng viên, Người luôn nhắc nhủ: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”. “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Ðảng ta, “ham muốn tột bậc” của Bác đã từng bước được hiện thực hóa. Tuy nhiên cho đến ngày Bác đi xa, nhiều điều vẫn còn chưa trọn vẹn. Trong Di chúc để lại, điều đầu tiên Người khẳng định là: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Ðó là một điều chắc chắn”. Về việc riêng, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. “... Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. “Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Ngày nay, bài học về truyền thống lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, từ trung ương tới địa phương, nhân dân trong cả nước cùng chung sức, đồng lòng muôn người như một của cả dân tộc sẽ thực hiện và thực hiện thành công “… khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nội dung Văn kiện của Đại hội XIII về “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước đã hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Quy mô, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được nâng lên. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc Đại hội ngày 1/2/2021. (Ảnh: TTXVN)

Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên cơ sở vừa kế thừa mục tiêu được các kỳ Đại hội Đảng trước đây đề ra, vừa tiếp thu các tiêu chí theo thông lệ quốc tế, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước trong những năm tới:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cập và cụ thể hóa những phương thức rõ ràng, gắn với yêu cầu về hành động, việc làm thiết thực của mỗi cấp, ngành, tổ chức và mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, với vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước từ trung ương tới địa phương nói chung và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp nhà nước thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nói riêng cần tập trung, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hành động hơn nữa để khẳng định “… doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước…” theo tinh thần nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

CAO VĂN THẮNG
Đảng viên, Phó Trưởng Ban Pháp Chế Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024