Cảng Thiên Tân (Trung Quốc), một trong những điểm trung chuyển hàng hóa lớn trên thế giới.

Châu Á sẽ là đầu tàu kinh tế

Giới quan sát dự báo năm 2021, châu Á sẽ là đầu tàu kinh tế thế giới nhờ việc nhiều nước đã phần nào kiểm soát được dịch Covid-19 và bắt đầu khởi động lại nền sản xuất, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam.

Sự năng động của châu Á được thể hiện rõ qua việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Trung Quốc và 14 nước châu Á – Thái Bình Dương được ký kết tháng 11/2020. Sự kiện này càng góp phần khẳng định châu Á sẽ là khu vực đầu tàu của cả thế giới.

Việc ký kết RCEP cho thấy sự phát triển trong tương lai của khu vực không còn lệ thuộc nhiều vào việc phải tìm kiếm các thị trường Mỹ và châu Âu, mà là tạo ra một thị trường lớn trong lòng châu Á. Nhu cầu nội địa sẽ là động cơ thúc đẩy phát triển khu vực.

Mặt khác, dân số đông và mức sống đa dạng tuy là hạn chế nhưng cũng mang lại lợi thế lớn cho khu vực. Đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia, RCEP tạo nhiều thuận lợi cho việc tìm kiếm những nước mới có chi phí nhân công thấp.

Một nền kinh tế mới nổi quan trọng khác của châu Á là Ấn Ðộ cũng đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Thủ tướng Ấn Ðộ N.Modi lạc quan rằng, nền kinh tế nước này sẽ phục hồi nhanh với một số chính sách kích thích phát triển của Chính phủ. Như các chuyên gia nhận xét: Với sự điều chỉnh chiến lược gần đây, Ấn Ðộ có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong khoảng 0,25-0,6% GDP của tài khóa này.

Động lực chính cho kinh tế châu Á cũng như thế giới, đó là Trung Quốc cũng đang chứng minh được vai trò của mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngay từ đầu năm 2021 Dương lịch đã dự báo quốc gia hơn một tỷ dân này sẽ tăng trưởng 7,9% năm 2021, sau khi tăng 1,9% trong năm 2020, khi hoạt động kinh tế tiếp tục trở lại bình thường và tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc nên tiếp tục các chính sách tài khóa và tiền tệ mang tính hỗ trợ cho đến khi đà phục hồi kinh tế của nước này có nền tảng vững chắc. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến năm 2021, Trung Quốc ước tính đóng góp hơn 1/3 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài sự phục hồi kinh tế ổn định, đóng góp của nước này còn đến từ quyết tâm mở cửa nền kinh tế ở cấp độ cao hơn và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn. Với sự ổn định này, Trung Quốc được kì vọng là “nguồn nhiệt” giúp “phá băng” tăng trưởng kinh tế không chỉ cho châu Á mà còn lan tỏa khắp thế giới.

Tại Mỹ, bức tranh chỉ số kinh tế cũng đã bớt u ám góp phần thắp sáng hi vọng phục hồi cho năm 2021.

Xu thế phục hồi

2021 được dự báo là “năm của sự phục hồi”, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng.

Năm tới có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, các nhà đầu tư hiện hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về vắc-xin phòng Covid-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.

Trong năm 2021, kinh tế toàn cầu sẽ được “trợ lực” bởi các yếu tố thuận lợi khác như: đồng USD yếu; khả năng Chính phủ Mỹ sẽ theo đuổi một chính sách thương mại ổn định và thân thiện hơn…

Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ… bức tranh kinh tế cũng đã bớt u ám. Kinh tế Anh dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý II/2021, khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng được phục hồi. Nền kinh tế Mỹ cũng đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Sau khi Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng được điều chỉnh giảm xuống 5% vào năm 2021 và 4,2% trong năm 2022.

Còn theo dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, nền kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 6,6% trong năm nay dưới thời tân Tổng thống Joe Biden. Ngoài ra, các nước châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ hồi phục nhanh nhất. Tuy nhiên sự phục hồi giữa các nước châu Âu cũng có sự chênh lệch đáng kể. Trong khi Pháp được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trong dài hạn vì tốc độ sụt giảm GDP lớn và sự mất niềm tin của người tiêu dùng, thì Đức lại được đánh giá cao trên cả hai phương diện này…

Dù các tín hiệu tích cực đã xuất hiện, song chuyện bức tranh kinh tế toàn cầu có “tỏa sáng” trong năm 2021 hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát đại dịch Covid-19 của các quốc gia. Nếu dịch bệnh nghiêm trọng vẫn kéo dài, thì hầu hết các nền kinh tế có thể vẫn ở tình trạng bấp bênh và gian nan.

Covid-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với kinh tế thế giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài và không nước nào có thể tự giải quyết. Tất cả các nước cần chung sức mới có thể vượt qua được khó khăn và khủng hoảng hiện nay để có thể hi vọng vào một “mùa xuân ấm áp” cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

ĐẠI THANH