Vĩnh Phúc chủ động triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW: Khơi dậy động lực phát triển trong kỷ nguyên số
Qua đó, khẳng định vai trò cốt lõi, mang tính quyết định của khoa học – công nghệ và chuyển đổi số trong việc thúc đẩy phát triển bền vững của địa phương.
Hòa cùng nhịp phát triển chung của cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tích cực triển khai các định hướng lớn từ Nghị quyết, tạo nền tảng vững chắc để bứt phá trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ số hàng đầu khu vực.

Với tinh thần chủ động, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 57 bằng các chương trình hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương. Tỉnh xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 đưa Vĩnh Phúc vào nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đến năm 2045, tỉnh đặt quyết tâm trở thành một cực tăng trưởng mới, trung tâm đổi mới sáng tạo có sức lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nơi kinh tế số chiếm tỷ trọng tối thiểu 60% GRDP và đời sống nhân dân được nâng cao về cả vật chất và tinh thần.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Vĩnh Phúc đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, toàn diện. Trong lĩnh vực chính quyền điện tử, tỉnh đã tập trung xây dựng và đưa vào vận hành app công dân Vĩnh Phúc, thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Song song với đó, tỉnh từng bước hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, ưu tiên liên thông và chia sẻ dữ liệu dân cư, dữ liệu giám sát đô thị qua hệ thống camera, từng bước hình thành nền tảng dữ liệu lớn cho toàn tỉnh.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hành chính công, tinh thần của Nghị quyết 57 còn được lan tỏa mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Trong giáo dục, các trường học tại Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi phương pháp dạy học theo hướng tích hợp số hóa và phát triển kỹ năng sáng tạo cho học sinh. Các hoạt động nghiên cứu khoa học nhỏ trong trường phổ thông được khuyến khích và tổ chức bài bản, góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ năng động, có tư duy công nghệ và khả năng thích ứng cao với thời đại số.
Ở lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực đầu tư vào công nghệ mới, tự động hóa và chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, logistics và chăm sóc khách hàng. Những mô hình như nhà máy thông minh, nền tảng thương mại điện tử nội địa và quốc tế, thanh toán không dùng tiền mặt… đang dần trở nên phổ biến, tạo sức bật mới cho cộng đồng doanh nghiệp Vĩnh Phúc trong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Bên cạnh các hoạt động cụ thể, Vĩnh Phúc cũng chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh đang xây dựng đề án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với hạt nhân là các trung tâm khởi nghiệp, các vườn ươm công nghệ và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong và ngoài nước. Đây là những bước đi dài hạn, bền vững nhằm tạo môi trường thuận lợi để khoa học – công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự vào cuộc đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến các tầng lớp nhân dân, Vĩnh Phúc hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một tương lai bứt phá, nơi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành bệ phóng cho một kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên “vươn mình” mạnh mẽ, tự tin của địa phương và dân tộc./.
- Vĩnh Phúc phát huy "sức mạnh" Cổng Pháp luật quốc gia
- Vĩnh Phúc xây dựng NTM nâng cao - Thay đổi bộ mặt nông thôn cả về vật chất và đời sống tinh thần
- Giải báo chí tỉnh Vĩnh Phúc 2025: Vinh danh 36 tác phẩm báo chí xuất sắc