ISSN-2815-5823

Lee Kun-hee: Người đưa Samsung từ “tí hon” thành “khổng lồ”

(KDPT) – Lee Kun-hee, chủ tịch tập đoàn Samsung, người đưa công ty này trở thành một “đế chế” công nghệ, giúp Hàn Quốc từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh thành nền kinh tế thứ 12 thế giới vừa qua đời hôm qua (25/10).

Samsung phát triển gấp 300 lần

Năm 1938, Samsung có nghĩa là “3 ngôi sao” được thành lập bởi ông Lee Byung-chul, cha của Lee Kun-hee, với khởi điểm một công ty xuất khẩu các mặt hàng như rau củ, trái cây và cá khô sang Mãn Châu và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ông Lee Byung-chul đã tái cơ cấu Samsung thành một nhà sản xuất điện tử và thiết bị gia dụng, đồng thời là công ty thương mại lớn đầu tiên của Hàn Quốc.

Năm 1968, ông Lee Kun-hee gia nhập công ty và hỗ trợ công việc làm ăn của cha. Tới năm 1987, khoảng 2 tuần sau khi ông Lee Byung-chul qua đời, ông Lee Kun-hee đã trở thành chủ tịch của Samsung.

Thời điểm đó, các nước phương Tây chỉ biết Samsung Electronics là nhà sản xuất TV giá rẻ và lò vi sóng không mấy tên tuổi. Dưới sự dẫn dắt của Lee Kun-hee, Samsung từ một công ty địa phương đã trở thành tập đoàn toàn cầu, một “gã khổng lồ” về điện thoại thông minh, ti vi và chip máy tính. Samsung đã góp phần không nhỏ trong cuộc chuyển mình được mệnh danh là “Điều kỳ diệu trên sông Hàn” của đất nước Hàn Quốc.

Ông đã thúc đẩy Samsung không ngừng vươn lên trên nấc thang công nghệ. Ông bắt đầu “đại tu” Samsung Electronics sau khi nhìn thấy các sản phẩm của công ty bám đầy bụi trong một cửa hàng điện tử ở Los Angeles, theo “The Lee Kun Hee Story”, một cuốn tiểu sử của tác giả Lee Kyung-sik xuất bản vào năm 2010.

Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee cùng vợ và hai con gái.

Sự lột xác của Samsung bắt đầu vào năm 1993 khi Lee Kun-hee tập hợp các giám đốc điều hành hàng đầu ở Đức và vạch ra một kế hoạch, được gọi là “Tuyên bố Frankfurt”, biến Samsung từ một nhà sản xuất tivi hạng hai thành một công ty hàng đầu trong ngành. Sứ mệnh mới của công ty được đặt ra: tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, ngay cả khi điều đó có nghĩa là doanh số bán hàng thấp hơn. Sau “Tuyên bố Frankfurt”, ông yêu cầu nhân viên phải đến nơi làm việc lúc 7 giờ sáng thay vì 8 giờ 30 sáng bắt đầu như bình thường, để họ có thể “đắm mình trong công cuộc cải cách”. Đó cũng là lúc câu nói “Thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của anh” của ông trở thành nguồn cảm hứng làm việc cho toàn bộ nhân viên trong tập đoàn.

Năm 1995, ông tập hợp 2.000 công nhân xem ông đốt cháy 150.000 điện thoại di động, máy fax và các sản phẩm khác của công ty không đạt tiêu chuẩn chất lượng, khiến sự kiện này trở thành một bài học đắt giá cho nhân viên của công ty. Sự thay đổi trong văn hóa làm việc đó đã khiến Samsung tạo được dấu ấn riêng và vươn lên thành “ông lớn” công nghệ hàng đầu thế giới, sánh ngang với tập đoàn Apple của Mỹ.

Năm 2005, Lee Kun-hee được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2007, Samsung đã lần đầu lọt vào danh sách những tập đoàn sản xuất điện tử lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn.

Thế hệ điện thoại thông minh mới nhất của Samsung.

Năm 2010, Samsung đã giới thiệu điện thoại thông minh mang nhãn hiệu Galaxy chạy phần mềm Android của Alphabet Inc, giúp hãng vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới năm 2011 về số lượng bán ra. Bằng cách giới thiệu Galaxy Note vào năm 2011, Samsung đã tạo ra một thị trường sản phẩm mới được gọi là phablet, một sản phẩm lai giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Hiện tại, ông Lee Kun-hee là người giàu nhất tại Hàn Quốc. Tổng giá trị cổ phần của ông tại 4 công ty niêm yết của Samsung là khoảng 18.200 tỷ Won (16,1 tỷ USD), tính theo giá đóng cửa ngày 23/10, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc.

Những bước đi sai lầm

Mặc dù là người có công lao lớn trong việc đưa nền kinh tế của Samsung nói riêng cũng như Hàn Quốc nói chung, vực dậy nhanh chóng sau chiến tranh, nhưng trong sự nghiệp của mình Lee Kun-hee không tránh khỏi những bước đi sai lầm.

Cụ thể vào năm 1990, khi ông Lee mong muốn mở rộng tập đoàn sang ngành sản xuất ô tô do niềm đam mê đối với những chiếc xe hơi sang trọng. Tuy nhiên, Samsung Motor đã không gây được tiếng vang và đã phải bán lại cho tập đoàn Renault.

Đồng thời vào cuối những năm 1990, Chủ tịch Samsung sa lầy vào các vụ bê bối chính trị sau khi bị kết tội đưa hối lộ cho cựu tổng thống Roh Tae-woo vào năm 1996. Tuy nhiên, ông được ân xá một năm sau đó.

Đến năm 2009, ông Lee bị kết tội trốn thuế và vi phạm nghĩa vụ gây thua lỗ tại Samsung SDS Co., một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, vì ông biết công ty này đã bán trái phép trái phiếu có chứng quyền cho con trai mình với giá thấp ảo. Lee Kun-hee bị phạt 110 tỷ won, nhận án tù 3 năm tù treo đồng thời từ chức chủ tịch Samsung Electronics. Sau đó vài tháng, ông tiếp tục được ân xá và quay trở lại lãnh đạo Samsung vào năm 2010.

Sau một cơn đau tim vào năm 2014, con trai ông là Phó Chủ tịch Lee Jae-yong thay ông điều hành công ty. Ngày 25/10, Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78.

Trong thông báo phát đi về việc Lee Kun-hee qua đời, Samsung khẳng định “Di sản của ông ấy sẽ trường tồn”. Điều đó đã được toàn thế giới công nhận khi chính Lee Kun-hee là người đã biến Samsung từ một công ty vô danh, gắn liền với chất lượng kém thành tên tuổi công nghệ hàng đầu thế giới.

HOA NINH

Bạn đang đọc bài viết Lee Kun-hee: Người đưa Samsung từ “tí hon” thành “khổng lồ”
tại chuyên mục Doanh nhân thời cuộc.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024