ISSN-2815-5823

Lùm xùm tại Chi nhánh Vietinbank Đông Hải Dương: Giám đốc lợi dụng chức vụ và mối quan hệ chiếm đoạt tài sản

(KDPT) – Không chỉ dính những lùm xùm quanh chuyện công việc chuyên môn khi đảm nhiệm vị trí Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đông Hải Dương, ông Nguyễn Văn Lợi còn từng bị tố cáo lợi dụng chức vụ và các mối quan hệ để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo thông tin phản ánh, ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đông Hải Dương, đã cho vay vốn dưới tài sản đảm bảo và gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, việc tài trợ vốn tín dụng công ty nhôm Tân Đông cho vay 100 tỷ, chỉ thu về được 40 tỷ; tài trợ tín dụng công ty Xuân Lãm (Hải Phòng) 40 tỷ khi thu hồi vốn chỉ được 17 tỷ.

Trụ sở Vietinbank chi nhánh Đông Hải Dương

Không chỉ dính vào những lùm xùm quanh chuyện công việc chuyên môn, ông Nguyễn Văn Lợi từng bị tố “cấu kết với cấp dưới và người thân chiếm đoạt tài sản chung giữa 2 vợ chồng”. Đây là vấn đề cá nhân, nhưng lại liên quan nhân sự tổ chức, công tác cán bộ, đảng viên và môi trường văn hóa doanh nghiệp

Qua tìm hiểu cho thấy, trong thời kì hôn nhân, bà P. (vợ cũ ông Lợi) và ông Lợi có đầu tư một lô đất tại Khu đô thị du lịch sinh thái Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đến tháng 8/2017 ông Lợi bàn với vợ bán lô đất này cho ông Trưởng – cấp dưới của ông Lợi tại Ngân hàng Vietinbank. Tháng 9/2017 sau khi sang tên xong lô đất, ông Lợi đã gửi đơn ra tòa đòi ly hôn vợ. Tuy nhiên, khi đề cập vấn đề phân chia tài sản, ông Lợi không hề kê khai tiền bán lô đất trên vào phần tài sản chung.

Được biết, bà P. đã nhiều lần gọi điện cho ông Trưởng để hỏi về số tiền thì ông Trưởng nói đã giao số tiền gần 1,8 tỷ đồng cho ông Lợi tại cơ quan. Tuy nhiên, sau khi bà P. làm đơn yêu cầu Tòa án xác định lại về khoản tài sản trên thì ông Lợi và ông Trưởng đã cấu kết với nhau để cung cấp lời khai xuyên tạc sự thật cho tòa án, rằng: Sau khi làm xong thủ tục chuyển nhượng, ông Trưởng có đến nhà ông Lợi bà P. để trả toàn bộ số tiền trên.

Để làm rõ, bà P. đã cung cấp cho tòa án file ghi âm 2 cuộc gọi với ông Trưởng. Tuy nhiên ông Trưởng phủ nhận, khi tòa có quyết định giám định giọng nói và triệu tập ông Trưởng nhưng ông này đã cố tình không đến.

Không chỉ thế, vào khoảng đầu năm 2016, khi UBND thành phố Hải Dương tổ chức bán đấu giá 4 lô đất (A1,A2,A3,A4) tại địa chỉ khu Độc Lập, phường Ái Quốc, thì ông Lợi và bà P. đầu tư 4 lô đất này. Tuy nhiên khi triển khai thủ tục, ông Lợi đang là đảng viên và giữ chức Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhị Chiểu (nay là Đông Hải Dương) nên ông Lợi không muốn đứng tên.

Sau thoả thuận, ông Lợi đã nhờ bà Nguyễn Thị Sinh – chị gái ruột đứng tên đấu giá hộ và trúng đấu giá 04 lô đất này. Tổng số tiền mua đấu giá 4 lô đất là 3.868.678.000 đồng.

Sau khi trúng đấu giá, bà P. đã đi rút tiền tại ngân hàng để thanh toán tiền đấu giá đất và liên hệ hoàn thiện thủ tục hành chính xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi có giấy chứng nhận, ông Lợi và bà P. đã cho Vietinbank chi nhánh Nhị Chiểu thuê lại làm phòng giao dịch.

Trong nhiều lần trò chuyện qua điện thoại với bà P., bà Sinh luôn khẳng định chỉ đứng tên hộ và không liên quan tới khối tài sản này. Thế nhưng, khi làm việc tại tòa án, không hiểu vì sao bà Sinh lại quay ngoắt 180 độ khẳng định: “Việc đấu giá, xin cấp giấy phép và xây nhà do bà trực tiếp thực hiện bằng số tiền tiết kiệm riêng của bà mà không hề liên quan gì đến ông Lợi và bà P.?” Các cuộc nói chuyện giữa bà P. với bà Sinh đều có ghi âm, tuy nhiên lại 1 lần nữa giống vụ việc với ông Trưởng – bà Sinh phủ nhận đấy không phải giọng nói của bà và từ chối yêu cầu của Tòa án về việc giám định giọng nói !?

Theo tìm hiểu, được biết bà Nguyễn Thị Sinh làm nông nghiệp thuần tuý, có chồng là ông Cao văn Du (đã mất năm 2004). Hiện bà Sinh không có nguồn thu nhập lớn và đang phải nuôi hai con nhỏ. Vậy, một người phụ nữ ở trong hoàn cảnh như bà Sinh lấy đâu ra khối tài sản lớn như vậy để mua đất, dựng nhà? Và tại sao người phụ nữ ấy lại cố tình thay đổi lời khai và từ chối giám định giọng nói?

Như vậy, vào thời điểm ban đầu, vấn đề tranh chấp giữa ông Lợi và bà P. chỉ là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, việc cấu kết, gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không còn đơn thuần là một vụ án dân sự nữa mà đã theo chiều hướng “có dấu hiệu hình sự về chiếm đoạt tài sản”?

Liệu Tòa án nhân dân TP Hải Dương có thể sử dụng quy định của Luật Tố tụng dân sự để xử lý một vụ việc có dấu hiệu hình sự?

Thiết nghĩ, một vị giám đốc chi nhánh của ngân hàng có tiếng lại dùng mọi “thủ đoạn”, lôi kéo cả cấp dưới và anh chị em vào cuộc hòng chiếm đoạt tài sản chung làm tài sản riêng, liệu có đủ tâm và tầm để ngồi ở vị trí lãnh đạo? Đây là vấn đề cá nhân, nhưng lại liên quan nhân sự tổ chức, công tác cán bộ, đảng viên và môi trường văn hóa doanh nghiệp.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024