Lương 10 triệu sống ở thành phố lớn nhưng vẫn tiết kiệm được 3 triệu đồng mỗi tháng để tích vàng
Vừa qua, cộng đồng mạng đã chia sẻ câu chuyện về một cô gái tên H.M.C với cách tiết kiệm và quản lý tài chính tốt đã giúp cô có thể dành dụm được 3 triệu đồng mỗi tháng. Đây là số tiền mà cô dùng để tích trữ vàng.
Điều đáng bất ngờ là thu nhập của cô gái này chỉ ở mức 10 triệu đồng hàng tháng. Đây là một con số mà đa phần mọi người đều nghĩ rằng rất khó có thể chi trả cho những chi phí sinh hoạt trong cuộc sống ở một thành phố lớn như TP.HCM.
H.M.C đã đặt ra những giới hạn cụ thể cho từng khoản chi hàng tháng để có thể dành ra 3 triệu đồng để mua vàng và dùng 7 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt ở TP.HCM. Cụ thể, cô gái này chỉ dành 2 triệu đồng vào tiền ăn bởi cô thường tự nấu ăn tại nhà và sức ăn của con gái cũng thường khá “khiêm tốn”.
Do đó, cô chỉ cần chi khoảng 71.000 đồng tiền ăn trung bình một ngày. H.M.C dành 1,6 triệu đồng vào tiền thuê nhà. Đây là giá tiền thuê nhà cùng chi phí điện nước và phí dịch vụ hàng tháng nơi mà cô đang ở trọ. Cô gái này cho biết vì đang ở ghép với 3 bạn nữa nên tiền thuê nhà nhìn chung cũng khá rẻ so với mặt bằng.
Đối với đồ gia dụng, cô dành khoảng 500.000 đồng. Đây là khoản tiền được cô sử dụng để mua các sản phẩm thiết yếu như sữa tắm, dầu gội, gia vị nấu ăn… Thông thường những món đồ này không phải lúc nào cũng cần mua nhưng cô vẫn đặt ngân sách riêng để nếu có dư thì sẽ sử dụng vào tháng sau.
H.M.C dành 700.000 đồng vào mỹ phẩm. Cô đã tối giản quy trình skincare kể từ khi đặt mục tiêu tiết kiệm. Hiện tại, cô gái chỉ dùng những sản phẩm skincare cơ bản thay vì thực hiện 7749 bước. Việc này không chỉ giúp cô tiết kiệm mà còn không làm làn da bị bí bách. Nhìn chung, là “một mũi tên trúng 2 đích”.
Cô cũng dành 1 triệu đồng vào việc đi chơi. Theo chia sẻ của H.M.C, việc chi tiền để dành cho hoạt động đi chơi du lịch chữa lành là cần thiết bởi việc đi làm kiếm tiền cũng rất căng thẳng và stress. Đa phần cô dùng số tiền trong quỹ này để đi ăn, cà phê và gặp gỡ bạn bè.
Ngoài ra, cô vẫn còn 1 triệu đồng để dự phòng. Đây là khoản tiền được H.M.C tiết kiệm để phòng trường hợp bị ốm đau hay bất ngờ có việc cần sử dụng tiền như quà cáp, đám cưới. Trong trường hợp tháng nào không dùng đến khoản tiền đó, cô sẽ chuyển số tiền này sang khoản tiết kiệm hoặc để nguyên và cộng dồn vào quỹ dự phòng của tháng tiếp theo.
H.M.C cho biết cuộc sống của cô ở TP.HCM vẫn khá thoải mái với cách phân bổ chi tiêu như vậy. Cô chia sẻ rằng bản thân sẽ mua hạt đậu vàng, khoảng 2-3 phân vàng nếu tháng nào chỉ có ít tiền. Còn nếu không thì sẽ đợi gom đủ tiền để mua được 1 chỉ vàng nhằm tránh bị mất giá.
Kinh nghiệm từ cách quản lý chi tiêu
Trước hết, hãy bớt kêu ca và than vãn 10 triệu đồng không đủ sống bởi có người rõ ràng không những đủ sống mà còn dư tiền để tích trữ vàng. Do vậy vấn đề không nằm ở con số thu nhập 10 triệu đồng mà chính là cách quản lý chi tiêu của mỗi người.
Nếu như bạn đang sở hữu mức lương 10 triệu đồng, thậm chí là nhiều hơn và cuối tháng vẫn không dư đồng nào thì hãy đọc lại cách phân bổ các khoản chi tiêu của cô gái H.M.C hay có thể tham khảo 2 gợi ý để bạn có thể quản tiền nong của mình hiệu quả hơn như bên dưới.
Phân bổ ngân sách chi tiêu theo từng tuần
Khi được trả lương về tài khoản của mình, điều đầu tiên bạn nên làm là thanh toán toàn bộ những chi phí cố định như tiền thuê nhà hay các khoản nợ đến hạn buộc phải trả. Tiếp đó, phải xem xét đến các chi phí có tính sinh tồn khác, đáng chú ý như tiền ăn và tiền xăng xe, đi lại. Mức ngân sách cho hai khoản này sẽ khác nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Hãy thử nhìn lại chi phí đi lại và ăn uống của những tháng trước để tìm ra con số phù hợp và đặt mức ngân sách bao nhiêu sao cho hợp lý.
Sau đó, có thể lấy con số đó chia cho 4 (4 tuần), bạn có thể tính toán được ngân sách chi tiêu của một tuần. Và mỗi lần đi siêu thị thì hãy nhìn vào con số ấy để tự dặn lòng không được tiêu quá đà. Sau khi lo xong tiền đi lại và tiền ăn, bạn mới nên nghĩ tới những thú vui khác như du lịch, mua sắm và cà phê.
Không nên để hết tiền vào một tài khoản
Người ta vẫn thường nói không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. Sở dĩ chúng ta không nên để toàn bộ số tiền mình có vào một tài khoản vì bạn sẽ khó kiểm soát được mức độ chi tiêu của bản thân. Nếu bạn cứ để tiền ở chung một chỗ thì việc đặt ngân sách chi tiêu cho từng khoản chi cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Một lời khuyên là hãy mở thêm tối thiểu một tài khoản ngân hàng để riêng tiền ăn của cả tháng vào tài khoản đó. Còn lại các chi phí khác cho việc đi lại thì rút thành tiền mặt để rạch ròi các khoản chi. Bạn không nên để lẫn các khoản tiền với nhau thì mới có thể quản lý chi tiêu một cách rõ ràng./.
- Người trẻ tiết kiệm được bao nhiêu tiền thì mới nên mua nhà?
- Những việc làm tưởng tiết kiệm hóa ra lại “đốt” tiền
- Học 6 “bí quyết tiết kiệm” đơn giản của mẹ để có cuộc sống tốt hơn