ISSN-2815-5823
THANH XUÂN
Thứ năm, 14h44 15/06/2023

M&A: "Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp bất động sản

(KDPT) - Theo chuyên gia, M&A được xem là chiếc ‘phao cứu sinh’ giữa lúc nguồn vốn trong nước chưa thể khơi thông một sớm một chiều, đảm bảo tiếp cận dòng tiền ổn định để duy trì phát triển dự án.

Bên cạnh hàng loạt các chính sách giúp doanh nghiệp giãn, hoãn nợ từ Chính phủ, tự thân các doanh nghiệp cần tự cứu mình giữa bối cảnh khó khăn.

Theo đó, chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có. Chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai.

Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện. Chủ động tìm kiếm các khách hàng/nhà đầu tư hoặc liên hệ qua các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ kết nối với các đối tượng có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án.

Để sớm đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp cần giảm bớt kỳ vọng, thậm chí sẵn sàng chấp nhận bán lỗ, phải đưa lên bàn cân giữa việc giảm kỳ vọng xuống để giảm gánh nặng chi phí, mang dòng tiền về tái thiết lập bộ máy, thực hiện các dự án khả thi với việc tiếp tục “ôm” dự án, gồng gánh chi phí, “sa lầy” trong số lãi ngày càng tăng, đối mặt với nguy cơ chết trên đống tài sản.

Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, với doanh nghiệp nội địa, M&A được xem là chiếc ‘phao cứu sinh’ giữa lúc nguồn vốn trong nước chưa thể khơi thông một sớm một chiều, đảm bảo tiếp cận dòng tiền ổn định để duy trì phát triển dự án.

Ông David Jackson cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp nội địa không nên coi những giao dịch này là thâu tóm. Dù đang ở thế khó hơn nhưng doanh nghiệp nội địa luôn có những lợi thế đặc biệt. Với đặc thù của ngành bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn luôn muốn tìm kiếm những đối tác uy tín, có năng lực để hợp tác và phát triển lâu dài tại Việt Nam. Do đó, tình hình thị trường hiện tại mở ra cơ hội sử dụng M&A như một mô hình để các bên hợp tác cùng có lợi hơn là thâu tóm.

Theo ông David Jackson, Việt Nam là địa điểm đầu tư hiếm hoi trong khu vực có nhiều cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư. Các hoạt động M&A vì thế cũng sôi nổi hơn nhiều thị trường khác. Xét về lĩnh vực, các loại tài sản phòng thủ chất lượng, có tính bền vững, đáp ứng sát với nhu cầu an sinh và sản xuất kinh doanh được kỳ vọng đem lại lợi nhuận đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn.

Cụ thể, dẫn đầu là bất động sản văn phòng, công nghiệp và hậu cần với tiêu chí bền vững. Kế đến là nhà ở và căn hộ dịch vụ, đặc biệt là những loại hình phục vụ nhu cầu ở thực của đại đa số người lao động ở các vị trí trọng điểm như khu đô thị mới, khu công nghiệp hay gần trục cao tốc, khu vực cửa ngõ trung tâm.

"Các loại hình bất động sản này được xem là kênh trú ẩn an toàn, chống chịu tốt trước biến động về lãi suất và lạm phát", ông cho biết.

Dù vậy, một quá trình thương lượng trung bình kéo dài từ 12 đến 24 tháng tùy giá trị và mức độ phức tạp của thương vụ. Do đó, giả sử các thương vụ được bắt đầu từ giữa năm ngoái, thì thời điểm sôi động có thể rơi vào khoảng quý III, IV năm nay trở đi.

Bên cạnh đó, bên mua dù đang có lợi thế ra giá và tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam nhưng vẫn khá thận trọng, chờ đợi và quan sát thêm những động thái tiếp theo từ tình hình thế giới cũng như nỗ lực bình ổn thị trường của Chính phủ.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024