ISSN-2815-5823

Mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa Quốc hội với Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam

(KDPT) – Cuộc sống thực tế luôn luôn sôi động. Mọi chế tài luật pháp được sinh ra từ cuộc sống và phục vụ điều chỉnh các hành vi, các quan hệ của đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, các quy định của luật pháp phải phản ánh hơi thở của cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận và phát huy tác dụng thực tế trong cuốc sống.

Ông Phùng Quốc Hiển gửi tặng vật cho Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2018

Mục tiêu chiến lược của nước ta là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nguồn lực vật chất để đạt được mục tiêu chiến lược đó quan trọng và trước hết là sự tăng trưởng kinh tế, là việc tạo ra nhiều của cải, nhiều việc làm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Doanh nghiệp và doanh nhân đóng vai trò vừa là động lực, vừa là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Trong một nền kinh tế chuyển đổi như nước ta, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có vị thế và có vai trò xứng đáng, được Nhà nước và xã hội quan tâm, khích lệ và tạo điều kiện hoạt động, phát triển. Thực tế, trong lịch sử phát triển của đất nước, các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam bằng trí tuệ, nhiệt huyết và bản lĩnh đã bươn trải, vượt qua mọi thách thức để trụ vững trên thương trường và làm ăn ngày càng có hiệu quả. Nhiều doanh nhân không chỉ chăm lo sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp, mà còn có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giữ nước và kiến thiết đất nước. Không ít doanh nhân đã hiến dâng gần như toàn bộ tài sản, của cải của mình, do mình làm ra cho Chính phủ, cho đất nước, cho Nhà nước cách mạng. Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập và mở cửa, mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp trước hết là lợi nhuận, là sự tồn tại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động đúng luật pháp, hòa mình trong chiến lược và chính sách vĩ mô của nền kinh tế, không chỉ tạo ra nhiều của cải, tăng lợi ích cho mình cho đất nước mà còn tham gia tích cực vào chính sách an sinh xã hôi. Điều mong mỏi lớn nhất và cũng là yêu cầu cho doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong nền kinh tế thị trưởng mở cửa, cạnh tranh gay gắt là được hoạt động trong một môi trường kinh tế tự do, bình đẳng, minh bạch và công khai. Đó là môi trường luật pháp, môi trường kinh tế và xã hội được tạo lập hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong môi trường luật pháp, kinh tế và xã hội như vậy, doanh nghiệp và doanh nhân phát huy cao nhất mọi tài năng, trí tuệ, tự do sáng tạo, say sưa kinh doanh trước hết là làm giàu cho mình và sau đó là làm giàu cho đất nước. Với môi trường pháp luật đồng bộ, hoàn thiện, công khai minh bạch, các doanh nhân sẽ yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển doanh nghiệp và tham gia phát triển kinh tế đất nước.

Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Quốc hội có chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề lớn của đất nước và chức năng giám sát tối cao. Quốc hội và đại biểu quốc hội đại diện cho cử tri cả nước, trong một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Với chức năng lập pháp, Quốc hội có nghĩa vụ tạo lập các khuôn khổ pháp lý, tạo lập một hệ thống luật pháp hoàn thiện, đồng bộ đủ để điều hành và lãnh đạo nền kinh tế – xã hội, trong đó có hệ thống pháp luật về kinh tế bên cạnh các pháp luật về nhà nước, về xã hội, an ninh và đối ngoại. Pháp luật về kinh tế phải đảm bảo cho nền kinh tế được vận hành một cách thông thoáng, an toàn và bền vững, đảm bảo các hoạt động kinh tế, kinh doanh được tự do, bình đẳng và minh bạch. Quốc hội có chức năng quyết định các vấn đề lớn của dất nước, trong đó có các vấn đề kinh tế. Quốc hội cần quyết định những định hướng, những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cùng các biện pháp để nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh, các hoạt động kinh doanh thuận lợi, có hiệu quả. Với chức năng giám sát tối cao, Quốc hội cần đảm bảo các chủ trương của Nhà nước, quyết định của Quốc hội được thực hiện, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động nhà nước được đảm bảo, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giải trình, lợi ích của các tổ chức và cá nhân trong xã hội được tôn trọng. Hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân chịụ tác động trực tiếp và có quan hệ rất mật thiết với hoạt động của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp chịụ sự điều hành của luật pháp, trực tiếp là Luật Kinh tế. Luật pháp và sự giám sát của Quốc hội không chỉ tạo dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân trong một môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng, mà quan trọng hơn là ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, độc quyền, vi phạm đạo đức kinh doanh.

Cuộc sống thực tế luôn luôn sôi động. Mọi chế tài luật pháp được sinh ra từ cuộc sống và phục vụ điều chỉnh các hành vi, các quan hệ của đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, các quy định của luật pháp phải phản ánh hơi thở của cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận và phát huy tác dụng thực tế trong cuốc sống. Các doanh nhân hoạt động kinh doanh, điều hành hoạt động của doanh nghiệp va đập với cuộc sống thực tế, hơn ai hết nhận rõ và chịu sự tác động trực tiếp cả tác động tích cực, cả tác động tiêu cực của các quy định pháp luật. Do vậy, vì sự phát triên bền vững, lành mạnh của nền kinh tế, vì sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp, vì chính quyền lợi chính đáng của mình, các doanh nhân cần và có thể tham gia cùng Quốc hội hoàn chỉnh các quy định luật pháp. Quốc hội luôn tạo điều kiện tối đa cho nhân dân, cho các doanh nghiệp, trước hết là các đối tượng chịu sự điều chỉnh và chế tài của luật pháp. Sự tham gia của doanh nhân, doanh nghiệp là công đoạn bắt buộc trong quy trình lập pháp của Quốc hội. Tham gia xây dựng luật pháp, hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là lợi ích của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Rõ ràng, giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với doanh nghiệp, doanh nhân có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ. Đó là quan hệ gắn bó cả về trách nhiệm và lợi ích vì sự phát triển của doanh nghiệp, sự trường tồn, phát triển của nền kinh tế đất nước, của dân tộc Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Hà Nội tháng 12 năm 2015

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch CLB các nhà công thương Việt nam

——————————–

Năm 2015, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam đã biên soạn và cho ra mắt cuốn sách “Quốc hội với Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”. Cuốn sách nhằm cung cấp thông tin tham khảo tới các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề lý luận và thực tiễn với nhiều góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời đề xuất những giải pháp, ghi nhận những kiến nghị để nâng cao hiệu quả đại diện của Quốc hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Với các mục đích đó, nội dung cuốn sách đi từ những vấn đề lý luận về mối quan hệ đại diện của Quốc hội cho cộng đồng doanh nghiệp, về sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động của Quốc hội tới đánh giá thực trạng của mối quan hệ hai chiều nói trên và đề xuất một số giải pháp, trình bày những kiến nghị nhằm nâng cao vai trò đại diện của Quốc hội cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Qua thời gian, thấy rằng nhiều nội dung của cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị, Ban biên tập kinhdoanhvaphattrien.vn xin trích đăng các bài viết từ cuốn sách này.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024