ISSN-2815-5823

Muốn "thâu tóm" gần 85% cổ phần công ty bất động sản của người quen cũ, Sao Thái Dương lấy tiền đâu khi kinh doanh thua lỗ?

(KDPT) - Để thực hiện góp 200 tỷ đồng vào Hạ tầng staBOO Việt Nam, Đầu tư Sao Thái Dương cho biết sẽ sử dụng nguồn từ thu hồi các khoản cho vay khác.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (mã SJF) mới đây công bố nghị quyết thông qua phương án góp vốn vào Công ty cổ phần Hạ tầng staBOO Việt Nam.

Cụ thể, Đầu tư Sao Thái Dương dự kiến góp thêm 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Hạ tầng staBOO Việt Nam. Thời gian thực hiện trong quý III/2024. Dự kiến sau khi được góp thêm vốn, vốn điều lệ của Hạ tầng staBOO Việt Nam sẽ được nâng từ 36 tỷ đồng lên 236 tỷ đồng, trong đó Đầu tư Sao Thái Dương sở hữu 84,75% vốn.

Đầu tư Sao Thái Dương công bố kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng vào Hạ tầng staBOO Việt Nam trong bối cảnh hoạt động kinh doan không mấy khả quan. Trong hai năm 2022-2023, công ty lỗ sau thuế lần lượt là 32,3 tỷ đồng và gần 327 tỷ đồng.

Gần nhất, trong quý II/2024, công ty báo lỗ sau thuế 4,5 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty lỗ sau thuế 8,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng lỗ sau thuế 6,7 tỷ đồng.

Việc lỗ liên tiếp trong 2 năm 2022-2023 và nửa đầu năm 2024 đã khiến lỗ lũy kế của công ty đến ngày 30/6/2024 là hơn 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, Đầu tư Sao Thái Dương cho biết, nguồn vốn để thực hiện góp vốn vào Hạ tầng staBOO Việt Nam sẽ được sử dụng từ nguồn thu hồi các khoản cho vay khác. Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, tại thời điểm 30/6/2024, Đầu tư Sao Thái Dương đang có 253 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và hơn 291 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.

Tại ngày 30/6/2024, Đầu tư Sao Thái Dương đang lỗ lũy kế hơn 320 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Tại ngày 30/6/2024, Đầu tư Sao Thái Dương đang lỗ lũy kế hơn 320 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Hạ tầng staBOO Việt Nam được thành lập ngày 24/8/2022, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và có trụ sở chính tại tầng 8, tòa nhà SIMCO Sông Đà, Tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ khi mới thành lập là 36 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập, gồm ông Nguyễn Trọng Nghĩa sở hữu 51%, ông Bùi Trung Hạnh sở hữu 48% và ông Phan Văn Hưng sở hữu 1% còn lại.

Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất của Hạ tầng staBOO Việt Nam - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trước đó còn được biết đến với vai trò là Thành viên HĐQT của Đầu tư Sao Thái Dương trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024. Vào ngày 27/5/2024, ông Nghĩa đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ này vì lý do cá nhân.

Tại Hạ tầng staBOO Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Công ty còn có một người đại diện pháp luật khác là Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Nghĩa và ông Nguyễn Văn Hiếu còn đang là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần staBOO Thanh Hoá; đại diện chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ HXS Vina tại Bắc Giang.

Về Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa, đây là doanh nghiệp mới thành lập vào tháng 2/2024 và là nhà đầu tư của dự án nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa với vốn đầu tư lên tới gần 3.200 tỷ đồng.

Công ty này có trụ sở chính đặt tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất ván ép từ tre, sản xuất, mua, bán các sản phẩm từ tre./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025