Lê hội “Nâng tầm sầu riêng Krông Pắc”: Sân chơi cho nâng dân tìm kiếm quan hệ hợp tác
Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ nhất năm 2022, với chủ đề “Nâng tầm Sầu riêng Krông Pắc” diễn ra tại Trung tâm thị trấn Phước An và một số xã trên địa bàn huyện Krông Pắc - Ảnh: Phạm Hoà.

Thông qua lễ hội, hình ảnh quê hương, con người, tiềm năng đất đai, kinh tế huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung sẽ được quảng bá đến với du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch trên địa bàn huyện.

Đồng thời giới thiệu đặc sản sầu riêng Krông Pắc để kết nối cung, cầu, trao đổi thông tin giữa nhà nông, thương nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý và tổ chức thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác hướng tới sản xuất sạch,…

Để hiểu sâu hơn về mục tiêu và ý nghĩa của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc 2022, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch huyện Krông Pắc, địa phương đi đầu trong việc quảng bá hình ảnh cây và các sản phẩm sầu riêng trong tỉnh Đắk Lắk.

PV: Xin bà cho biết lý do thúc đẩy huyện Krông Pắc tổ chức Lễ hội Sầu riêng?

Bà Ngô Thị Minh Trinh: Trong giai đoạn 2021-2025, Huyện Krông Pắc xác định nông nghiệp là ngành có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đối với nông nghiệp, huyện Krông Pắc ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây có thế mạnh của huyện như lúa, cà phê và một số loại cây ăn trái như mít, bơ, sầu riêng… trồng rau sạch, hoa quả, dược liệu, phát triển chăn nuôi trang trại gia súc gia cầm... gắn với công nghiệp chế biến. Đối với du lịch, huyện ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên cùng kết hợp bảo tồn phát huy những tiềm năng hiện có.

Lê hội “Nâng tầm sầu riêng Krông Pắc”: Sân chơi cho nâng dân tìm kiếm quan hệ hợp tác
Bà Ngô Thị Minh Trinh (áo đỏ), Phó Chủ tịch huyện Krông Pắc tại Lễ hội Sầu riêng cùng du khách - Ảnh: Phạm Hoà.

Sầu riêng là một cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện Krông Pắk nói riêng của tỉnh Đắk Lắk nói chung. So với cây công nghiệp truyền thống dài ngày khác như cà phê, hồ tiêu, điều, chè... thì sầu riêng đã và đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đầu tư rất lớn vào trồng cây sầu riêng. Bởi từ thực tế sản xuất cho thấy, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế số một cho người dân trong huyện những năm qua.

Từ ngày có cây sầu riêng, vùng đất này đổi thịt thay da, đời sống người dân đổi thay từng ngày. Để nâng cao vị thế, quảng bá về chất lượng sầu riêng giúp cho bà con nông dân, UBND huyện Krông Pắk đã nảy ra sáng kiến và lên kế hoạch tổ chức Lễ hội Sầu riêng lần thứ nhất với chủ đề “Nâng tầm Sầu riêng Krông Pắc” trong khoảng thời gian từ ngày 1/9 đến 6/9/2022.

PV: Lễ hội Sầu riêng sẽ mang lại lợi ích thế nào cho người nông dân?

Bà Ngô Thị Minh Trinh: Điều cốt lõi làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường. Đồng thời cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Lê hội “Nâng tầm sầu riêng Krông Pắc”: Sân chơi cho nâng dân tìm kiếm quan hệ hợp tác
Nhà báo Đỗ Thi, Trưởng Văn phòng đại diện Miền Trung - Tây Nguyên, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển (trái) tromg cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh Trinh về ý nghĩa của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc 2022 - Ảnh: Trọng Nghị.

Ngành nông nghiệp trong huyện nói chung và trồng cây sầu riêng nói riêng sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”.

Trong thời gian tới, nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, hiệu quả thì bắt buộc phải hợp tác. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định thì cần thúc đẩy phát triển hơn. Việc phát triển cây sầu riêng theo chuỗi liên kết sẽ giúp người dân chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng với hiệu quả cao hơn.

Lễ hội Sầu riêng sẽ là sân chơi cho người nông dân tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác mới để từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác.

Khi nền kinh tế tại chỗ phát triển mạnh mẽ sẽ giúp giảm bớt tình trạng di cư lao động ra khỏi địa phương, đảm bảo “ly nông bất ly hương". Bên cạnh đó, việc nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy các nguồn đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp chế biến tại chỗ, dịch vụ ở khu vực nông thôn,…

Lễ hội Sầu riêng năm nay là lần đầu tiên Huyện Krông Pắc tổ chức, minh chứng cho sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động giúp người nông dân của chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ thực hiện đánh giá và rút kinh nghiệm sau khi Lễ hội kết thúc để hỗ trợ thêm các mối quan hệ cho bà con, cũng như chuẩn bị tốt hơn cho những lần tổ chức tiếp theo.

Huyện Krông Pắk làm gì để giúp bà con nông dân xuất khẩu cây sầu riêng thế nào, thưa bà?

Bà Ngô Thị Minh Trinh: Cây sầu riêng Thái (Dona) đã được trồng trên địa bàn tỉnh từ những năm 2000, đến nay tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 17.000 ha sầu riêng, trong đó 15.000 ha giai đoạn kinh doanh, tổng sản lượng 140.000 tấn. Trong đó, Krông Pắk là một trong những huyện có diện tích sầu riêng lớn nhất với hơn 4.000 ha, sản lượng năm ngoái khoảng 50.000 tấn. Với diện tích và sản lượng sầu riêng lớn, huyện Krông Pắk có nhiều tiềm năng để nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng, từ trái tươi cho đến chế biến.

Lê hội “Nâng tầm sầu riêng Krông Pắc”: Sân chơi cho nâng dân tìm kiếm quan hệ hợp tác
Lãnh đạo huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) trong buổi thông báo về công tác tổ chức Lễ hội Sầu riêng lần thứ nhất năm 2022 - Ảnh: Trọng Nghị.

Nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk đã được bảo hộ, nên huyện sẽ tận dụng tốt cơ hội mở ra từ việc sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch. Huyện đã tuyên truyền đối với người dân đẩy mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng lên, để khi xuất khấu chính ngạch thì phải đảm bảo yêu cầu của phía bên nhập khẩu. Và trong thời gian qua, huyện cũng đã tăng cường tích cực xây dựng các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn Vietgap, rồi hướng bà con cách trồng hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đăng ký mã vùng trồng, hiện nay huyện đã cấp được 1.040 ha mã vùng trồng và chúng tôi cũng đã tiếp tục đề xuất cấp khoảng 1.000 ha nữa”.

Xin cảm ơn bà !