ISSN-2815-5823
Khánh Quỳnh
Thứ tư, 07h36 02/10/2024

Nên xử phạt Shopee hay những gian hàng quảng cáo lừa đảo?

(KDPT) - Việc Shopee bất chấp quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội đang gây ra nhiều tranh cãi về trách nhiệm pháp lý. Câu hỏi đặt ra là liệu Shopee có chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát các gian hàng vi phạm hay chỉ đơn thuần là nền tảng cung cấp dịch vụ?

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, quảng cáo thương mại trực tuyến đang trở thành công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm với nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, đặc biệt là việc kiểm soát các nội dung quảng cáo. 

Vậy Shopee - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, có trách nhiệm như thế nào trước những quảng cáo bất chấp các chuẩn mực tràn lan trên mạng xã hội?

Để làm rõ vấn đề này, PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu và có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Quảng cáo thương mại trực tuyến chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: "Hiện nay, hoạt động quảng cáo thương mại trực tuyến chịu sự điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019; Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018; Luật An ninh mạng năm 2018 và một số Luật chuyên ngành khác, cụ thể:

Theo Điều 102 Luật Thương mại thì "Quảng cáo thương mại" là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo thì "Quảng cáo" là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân".

"Những quy định này nhằm đảm bảo quảng cáo trực tuyến tuân thủ các tiêu chuẩn pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng và tránh các hành vi gian lận, không lành mạnh", luật sư nhấn mạnh.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Cuối tháng 6, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cảnh báo về chiêu trò rải link lừa đảo, seeding quảng cáo "bẩn" trên Facebook. Đại diện Cục chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết như kẻ lừa đảo tạo một trang giả mạo có giao diện tương tự trang web tin cậy, như ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến. Trang này được thiết kế để thu thập thông tin cá nhân và đăng nhập của người dùng. 

Một số còn tạo đường link hấp dẫn, dùng tiêu đề hoặc mô tả khiến người dùng quan tâm như "Nhận ngay ưu đãi đặc biệt", "Kiểm tra tài khoản của bạn", "Bạn bị bóc phốt" hoặc các sự kiện đang đượng cộng đồng quan tâm.

Theo các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, người dùng nên cảnh giác với link không rõ nguồn gốc, không nhấn vào đường dẫn lạ. Các link rút gọn cũng cần được kiểm tra trước khi nhấp vào, trong đó lưu ý địa chỉ URL khớp với trang định truy cập, không có ký tự lạ. Người dùng cần tăng cường bảo mật cho tài khoản, thường xuyên cập nhật trình duyệt, ứng dụng.

Shopee có vi phạm khi quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội không?

Theo Điều 106, 107 Luật Thương mại thì việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại (các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền tin...) phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề Shopee cài đặt quảng cáo tràn lan trên Facebook, bao gồm cả các trang và video có nội dung độc hại, luật sư Bình cho biết: "Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm; tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng".

Dựng, chế tin giả lừa đảo người dùng đến gian hàng Shopee diễn ra phổ biến trên Facebook.
Dựng, chế tin giả lừa đảo người dùng đến gian hàng Shopee diễn ra phổ biến trên Facebook.

Điều này đồng nghĩa với việc Shopee hoàn toàn có quyền cài đặt quảng cáo trên mạng xã hội, video, hoặc các trang web, nhưng phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt từ pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Bình nhấn mạnh: "Nếu các phương tiện như video hay trang web chứa nội dung độc hại, vi phạm pháp luật mà chủ sản phẩm vẫn tiếp tục cài đặt quảng cáo, thì hành vi này có thể bị xem là vi phạm pháp luật".

Shopee có phải chịu trách nhiệm nếu quảng cáo xuất hiện trên các nội dung nhạy cảm?

Việc sử dụng thông tin giả mạo, sai lệch để quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ cũng vi phạm Luật Thương mại. Luật An ninh mạng cấm cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, lan truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận trên mạng. Đưa những thông tin bịa đặt, phản cảm lên mạng xã hội nhằm kéo người dùng đến những gian hàng trên Shopee, những tổ chức, cá nhân này đã vi phạm Điều 8, luật Quảng cáo năm 2012: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề Shopee có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không kiểm soát chặt chẽ các quảng cáo cài đặt vào nội dung nhạy cảm như bài viết đau thương hoặc bài viết nhân đạo trên Facebook, luật sư Bình nhận định: "Việc cài đặt quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo thương mại không đúng quy định như đã nêu ở trên sẽ tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính".

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được điều chỉnh và xử phạt theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP). Theo quy định, nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, về vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm.

Thẩm quyền xử phạt thuộc về Ủy ban nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành và cơ quan công an.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện quảng cáo sai sự thật còn phải đối mặt với việc xử lý hình sự về hành vi "quảng cáo gian dối" theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ lên tới 3 năm và cấm hành nghề hoặc thực hiện công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Cũng theo luật sư Bình, Shopee có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không kiểm soát chặt chẽ việc đặt quảng cáo trên các nội dung nhạy cảm, vi phạm các quy định về quảng cáo và quyền lợi người tiêu dùng. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của Shopee và gây ra phản ứng tiêu cực từ công chúng.

Để tránh các rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Shopee cần có cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt hơn về nội dung quảng cáo trên nền tảng của mình. Những biện pháp phòng ngừa và quy trình kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ giúp Shopee tuân thủ pháp luật mà còn giữ vững vị thế của mình trong lòng khách hàng.

Sự phát triển của quảng cáo trực tuyến là điều tất yếu, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm pháp lý nặng nề mà các nền tảng thương mại điện tử như Shopee cần phải cân nhắc một cách cẩn trọng./.

Khi mới thâm nhập vào Việt Nam, Shopee đã "trắng" doanh thu từ năm 2016 đến 2018 nhằm tập trung nguồn lực vào việc chiếm thị phần. Đi kèm với việc không có doanh thu, công ty này cũng liên tục báo lỗ.

Theo đó, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019 Shopee đã bắt đầu có doanh thu và tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Đến đầu quý II/2019, Shopee Việt Nam bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng. Tuy nhiên, khoản lỗ của công ty này cũng tăng theo với con số lỗ nghìn tỷ. Số lỗ lũy kế đến năm 2021 của "ông lớn" thương mại điện tử này đã ở mức gần 7.500 tỷ đồng.

Bất ngờ đến năm 2022, công ty đã ghi nhận doanh thu tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên Shopee có lãi với con số 3.000 tỷ đồng, bù đắp được phần nào số lỗ lũy kế trước đó. Shopee cũng là đơn vị thương mại điện tử duy nhất có lãi trong năm 2022.

(Còn nữa...)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024