Ngân hàng Nhà nước nỗ lực bình ổn thị trường vàng, gia tăng tín dụng xanh
Tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm tổ chức ngày hôm nay (ngày 23/7), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã công bố nhiều thông tin nổi bật nhất của ngành ngân hàng nửa đầu năm 2024.
Kết quả tăng trưởng tín dụng được chia sẻ từ NHNN cho biết, đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.
Các ngân hàng cũng triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Về tỷ giá, NHNN cho biết, tỷ giá đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ đã tăng 4,4% trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, đây là mức mất giá thấp hơn một số đồng tiền của một số quốc gia khác khi có nước đã mất giá tới 11%. Đại diện NHNN cho biết, tỷ giá là vấn đề lớn, phức tạp trong qúa trình điều hành. Nó không chỉ một yếu tố đơn lẻ mà là cần nhìn nhận trên sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác.
Số liệu của NHNN cũng cho thấy, bình quân 6 tháng, chỉ số CPI là 4,08%, đạt cận dưới của mục tiêu Quốc hội đề ra; so với cùng kỳ, CPI đã chậm lại về mức 4,34%. Lạm phát bình quân 6 tháng là 2,75%.
Trong hoạt động thanh toán, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Số liệu hoạt động thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2024 so với 6 tháng 2023 cho thấy: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị, qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị.
Nỗ lực bình ổn thị trường vàng
Đối với thị trường vàng: Giá vàng SJC cao hơn thế giới khá nhiều. Theo Phó thống đốc, sau 9 phiên đấu thầu không hiệu quả, chưa kiểm soát được giá vàng miếng SJC. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang bán trực tiếp thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tạo ra chênh lệch phù hợp.
"Tuy nhiên về lâu dài, làm sao để thực sự bình ổn thị trường vàng không hề đơn giản", Phó thống đốc nhấn mạnh và cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp. Trên nguyên tắc này sẽ sửa đổi Nghị định 24/2012 nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng, bình ổn thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra kiểm tra hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường vàng.
Nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm
Phó Thống đốc NHNN cho biết 6 tháng cuối năm, dù còn nhiều thách thức nhưng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, tạo cơ sở, căn cứ pháp lý để phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn./.
- Ngân hàng Nhà nước: Có tình trạng thuê người xếp hàng gom vàng với mục tiêu đẩy giá
- Ngân hàng Nhà nước đề nghị 3 Bộ phối hợp quản lý thị trường vàng