ISSN-2815-5823

Ngày giỗ Tổ nghĩ về doanh nhân và trách nhiệm với người lao động

(KDPT) – Hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam có chung một ngày Giỗ Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Nhân ngày Giỗ Tổ, nghĩ đến “nghĩa đồng bào” mà tiền nhân gây dựng, chúng tôi lại liên tưởng đến việc thực hiện mục tiêu ASXH, trong đó có BHXH, mà thế hệ ngày nay đang tạo dựng.

Từ hàng ngàn năm qua, kể cả khi chưa có chữ viết, câu ca này, phong tục vô cùng quý báu, tốt đẹp của dân tộc cứ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, sống mãi trong tâm thức của những “con Lạc, cháu Hồng”, cho đến thời đại Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Việc xây dựng “văn hóa đóng BHXH” được đề cao

Vậy cái gì làm nên sự trường tồn, gắn kết cộng đồng các dân tộc qua các thời đại, góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam? Không có gì khác là văn hóa. Với phương châm sống, phép đối nhân xử thế như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”; “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; “Thương người như thể thương thân”… đã trở thành đạo lý của dân tộc chúng ta. Bởi vì tất cả chúng ta đều là đồng bào (cùng bọc) với nhau.

Giỗ Tổ Hùng Vương cũng như truyền thống thờ cúng tổ tiên, từ những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc ta nay đã trở thành di sản văn hóa quý báu của nhân loại tiến bộ, khi vào năm 2012, Tổ chức Giáo dục- Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Di sản văn hóa này của dân tộc ta đã, đang và sẽ phát huy tác dụng cũng như sức mạnh to lớn của nó trong mọi mặt của đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trước hết là giải quyết các vấn đề ASXH. Gần đây, trên Báo BHXH (số 30 ra ngày 11/4/2019) có đăng bài “Chung tay xây dựng văn hóa an sinh” (của tác giả V.Thu), trong đó có nêu ý tưởng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung rằng “cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của nhân dân, NLĐ về chính sách BHXH, BHYT, phải tạo nên “văn hóa an sinh” để người dân thấy được lợi ích sát sườn của chính sách này, từ đó tự giác tham gia”.

Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng nhằm xây dựng “văn hóa đóng BHXH”

Trước đó, vào ngày 29/11/2018, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng Đề án “Cải cách chính sách BHXH” để trình Trung ương Đảng thảo luận, ban hành nghị quyết về chính sách BHXH vào giữa năm 2018. Tại hội thảo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về “cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công” đã tóm lược 8 bài học quan trọng trong cải cách chính sách BHXH và nhấn mạnh: “Muốn mở rộng diện bao phủ BHXH, phải tập trung phát triển kinh doanh, sản xuất, mở rộng thị trường lao động, minh bạch hoá nền kinh tế phi chính thức để tạo ra các quan hệ lao động- quan hệ “đóng- hưởng” BHXH cùng với sự hỗ trợ tham gia BHXH của Nhà nước, việc này sẽ tạo ra “văn hoá đóng BHXH” tại Việt Nam.

Một thời gian không lâu sau đó, vào ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó có đoạn nêu rõ “huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc…”. Như vậy, có thể nói, lần đầu tiên, Nghị quyết của Đảng cũng như lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành đã đưa ra khái niệm “văn hóa đóng BHXH”, “văn hóa ASXH”, từ đó phát huy sức mạnh của truyền thống, giá trị quý báu của văn hóa truyền thống vào lĩnh vực ASXH.

Đây là vấn đề cốt lõi, mới được đề xuất, nên rất cần có thời gian nghiên cứu, cụ thể hóa bằng các văn bản có tính pháp quy. Do vậy, chúng tôi xin gợi mở một số vấn đề cốt lõi của “văn hóa đóng BHXH” ở nước ta hiện nay.

Người dân ngày càng tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước ta

Từ thực tế đất nước hơn 30 năm đổi mới cho thấy, công tác ASXH ở nước ta mang đậm tính chất, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam và một số cản trở quá trình văn hóa hóa công tác đóng BHXH ở nước ta. Trong những năm qua, trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội, yếu tố văn hóa đã thấm sâu và chi phối, ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển. Đặc biệt, ASXH được chi phối và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, cùng với quan điểm nhất quán, chủ đạo của Đảng ta, đó là “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”- thể hiện nét đặc sắc, tính nhân văn và được coi là nhân tố xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta những năm qua. Chính yếu tố văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc được tích lũy, phát huy trong thời đại mới đã góp phần làm cho nước ta đạt được nhiều mục tiên thiên niên kỷ của Liên hợp quốc…

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, khi bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, đã xuất hiện một số xu hướng ảnh hưởng đến ASXH đất nước. Đó là: Chạy theo tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ, thiếu quan tâm, bỏ qua những hậu quả lâu dài về xã hội, môi trường; tăng trưởng kinh tế mà không đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội; thiếu sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với hệ thống chính sách xã hội; không ít tập thể, cá nhân ít quan tâm đến chính sách ASXH mà chạy theo lợi ích nhóm, tham nhũng, buôn lậu, đầu tư tràn lan, làm thất thoát một nguồn lực, kinh phí to lớn của đất nước; chạy theo sự phát triển kinh tế, dẫn đến sự ôm đồm, lũng đoạn, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực quốc gia; tham nhũng quy mô lớn cho đến tham nhũng vặt phổ biến, làm phá vỡ trật tự, công bằng xã hội; buông lỏng, thả nổi chính sách xã hội, không quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; mang danh “xã hội hóa” một số ngành, lĩnh vực, nhưng thực chất là “thị trường hóa” nhiều dịch vụ và hoạt động xã hội; đời sống văn hóa bị bỏ quên, đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp bị băng hoại, bị lợi dụng và mang đậm tính thị trường; tế bào của xã hội, gia đình bị phá vỡ, băng hoại…

Để xây dựng được “văn hóa đóng BHXH”, cần khắc phục những hiện tượng phi văn hóa nói trên; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung cốt yếu như:

Công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, giải quyết việc làm, tiền lương, cải cách TTHC… Khi nói đến văn hóa- một phần của kết cấu thượng tầng, thì bao giờ cũng có “độ trễ” nhất định. Nhưng với chính sách đóng BHXH hiện nay, chúng ta không thể “chờ” sự phát triển của văn hóa nói chung rồi mới xây dựng “văn hóa đóng BHXH”, mà cần xây dựng thành nền nếp, thói quen, lối sống cho NLĐ cũng như toàn dân trong việc đóng BHXH.

Tập trung hơn nữa nhân tài, vật lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH đến mọi đối tượng, mọi lúc, mọi nơi bằng các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, không để sót một đối tượng nào.

Xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân là khâu đột phá để xây dựng “văn hóa đóng BHXH”. Trong những năm qua, ở nước ta đã có Trung tâm Văn hóa doanh nhân ra đời và có Ngày Doanh nhân Việt Nam. Văn hóa không chỉ là thứ phúc lợi tinh thần, là cái đẹp để thưởng thức, mà còn có mối quan hệ hữu cơ với kinh doanh. Văn hóa gắn bó chặt chẽ với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ mang bản sắc của một dân tộc. Ngoài những phẩm chất cần có như tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm, hiểu biết, nhanh nhạy trong kinh doanh, doanh nhân cần có đạo đức, có cái tâm trong sáng, biết tổ chức, hợp tác, tôn trọng mọi người, nhằm tạo ra hiệu quả cho xã hội, thì những ứng xử với cấp dưới, với đồng nghiệp, với bạn hàng sẽ góp phần tạo nên văn hóa doanh nhân. Vì thế, việc xây dựng “văn hóa đóng BHXH” phải là một phần rất quan trọng không thể thiếu của văn hóa doanh nhân.

“Văn hóa đóng BHXH” còn phải được thể hiện trước hết ở sự công khai, minh bạch trong việc đóng- hưởng các chế độ BHXH trong các DN, trở thành chế định bắt buộc theo Luật BHXH hiện hành. NLĐ có quyền giữ sổ BHXH của mình để biết và giám sát DN; công khai, minh bạch mức đóng của cả DN và NLĐ.

Và, một điều rất quan trọng nữa, đó là nên xem xét bổ sung tiêu chí tham gia đóng BHXH vào tiêu chí bình chọn nông thôn mới, làng- xã văn hóa, gia đình văn hóa. Bởi, việc cộng đồng dân cư, thôn, làng, ấp, buôn, bản có tỉ lệ lao động tham gia BHXH cao cũng chính là tiền đề, cơ sở để thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Chính việc xây dựng được nếp đóng BHXH và nâng lên thành “văn hóa đóng BHXH” sẽ là nét nổi bật, góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm, kể từ thời các Vua Hùng dựng nước sẽ được duy trì và phát triển bền vững trong thời đại mới.

Vũ Lân

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024