ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 06h00 03/04/2024

Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển khoa học công nghệ

(KDPT) - Hiện nay, động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo được dẫn dắt bởi khoa học và công nghệ (KHCN). Trong bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo đã được Đảng và Nhà nước xem là một trong những mục tiêu tăng trưởng phát triển thiên niên kỷ đến năm 2030 của Việt Nam.

Có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước

Nhìn lại chặng đường vừa qua, những thành tựu của ngành KHCN đã đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016-2020), tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39% (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa tăng từ 19% (năm 2010) lên khoảng 50% (năm 2020). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016-2020, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cũng đã được đưa vào vận hành hiệu quả với gần 2 triệu lượt truy cập và 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có 13 tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.

Đến nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện. Mối liên kết viện - trường - doanh nghiệp không ngừng được thúc đẩy, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình KHCN.

Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Đáng chú ý, hệ thống pháp luật về hoạt động sở hữu trí tuệ đáp ứng được hội nhập quốc tế, đảm bảo yêu cầu của các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò của sở hữu trí tuệ cũng ngày càng tăng, thể hiện thông qua việc tăng trưởng số lượng nhãn hiệu, sáng chế được cấp đăng ký ngày càng nhiều... Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy mạnh vai trò quản lý Nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ còn khiêm tốn

Bộ KH&CN cũng có những động thái tích cực trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, nhưng con số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ ở mức vô cùng khiêm tốn. Tính đến 31/12/2022 cả nước có 712 doanh nghiệp khoa học công nghệ đăng ký, nghĩa là chỉ đạt được hơn 10% mục tiêu.

Lý giải nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) Trần Xuân Đích cho biết: Chiến lược phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ được đề ra trước năm 2010, chính vì thế, việc triển khai được thực hiện theo Luật KH&CN cũ. Đến năm 2013 Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi, theo đó tiêu chí về doanh nghiệp khoa học công nghệ khác so với tiêu chí của Luật Khoa học và công nghệ trước đây.

Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN).
Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN).

Cụ thể, theo Luật Khoa học và công nghệ cũ, doanh nghiệp khoa học công nghệ chỉ cần đưa được kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống, không cần có tỷ lệ doanh thu của sản phẩm khoa học công nghệ trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nhưng sau đó, Luật Khoa học và công nghệ 2013 ra đời thay đổi các tiêu chí. Chính vì vậy, Bộ KH&CN đã thay đổi tiêu chí công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cho phù hợp với Luật Khoa học và công nghệ 2013.

Ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa họa công nghệ với những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nghị định này mang lại kết quả cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cần cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp phát triển

Theo ông Trần Xuân Đích, để thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, phía Bộ KH&CN đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích. Về cơ chế chính sách đã có thay đổi cho phù hợp với Luật KH&CN 2013.

Theo đó, tháo nghẽn nhiều điểm về cơ chế chính sách, tiêu chí công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và hồ sơ, điều kiện thủ tục theo hướng tăng tính đơn giản thủ tục hành chính và tăng tính hậu kiểm.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ. Hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi dành cho doah nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/09/2024