ISSN-2815-5823
Thứ hai, 04h16 10/08/2020

Nghệ thuật đờn ca tài tử: Dấu ấn văn hóa trăm năm

(KDPT) – Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam nói chung, đồng thời được biết đến là nét nghệ thuật đặc trưng của vùng Nam Bộ nói riêng. Được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911.

Tính đến nay, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã có tuổi đời hơn 100 năm. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, trải qua bề dày lịch sử tồn tại và duy trì cho đến nay, đây được xem là dấu ấn lịch sử luôn đồng hành và chung sức sống với dân tộc. Đó còn là “vũ khí” cùng góp tiếng nói phản kháng các cuộc áp bức, đô hộ, là tiếng lòng khao khát hòa bình, độc lập, thể hiện tình yêu non nước của nhân dân Việt Nam, đồng thời, kêu gọi đoàn kết, giữ gìn, bảo vệ, phát huy nét đẹp ngàn đời của văn hóa dân tộc.

Nói đến Đờn ca tài tử Nam Bộ, không những nói phong cách biểu diễn, giai điệu đặc biệt mà còn phải nói đến hệ thống bài bản của loại hình nghệ thuật này. Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Các bài bản này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc cho 4 điệu, gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).

Về trang phục, những người tham gia Đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau nên thường chỉ mặc các loại thường phục khi tham gia trình diễn. Khi nào diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới mặc các trang phục biểu diễn áo dài hay áo bà ba truyền thống đặc trưng của Nam bộ.

Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử khá phong phú, bao gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan,… Từ khoảng năm 1930 thì có thêm đàn ghita phím lõm, violin, guitar Hawaii (đàn hạ uy cầm). Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Đôi khi có ống sáo ngang hay ống tiêu thổi dọc kèm song lang.

Với phong cách chơi nhạc đặc trưng, dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với khí chất đờn ca thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Với cách chơi đó, họ đích thực là những “tài tử” – những người có tài năng và phong cách điệu nghệ.

Biểu diễn đờn ca tài tử thường gắn liền vơí chiếc áo dài hay cchiec1 áo bà ba truyền thống đặc trưng của Nam bộ.

Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ, từ những ngày đầu mở đất. Loại hình nghệ thuật này như là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa trọng tình, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam. Đờn ca tài tử tựa viên ngọc quý cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hoá truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung.

Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được các tiêu chí đặt ra như: được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc…, khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập cùng văn hóa thế giới.

MỸ HUYỀN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 16/01/2025