ISSN-2815-5823

Nhà cổ Bình Thủy: Nét đẹp trầm mặc giữa lòng Cần Thơ

(KDPT) – Từ lâu, vùng miệt vườn, sông nước Cần Thơ luôn là địa điểm thu hút nhiều du khách. Kể cả khi đã đến đây nhiều lần, du khách vẫn không ngừng bị hấp dẫn. Trong đó, nhà cổ Bình Thủy được xem là một điểm đến thú vị, mang vẻ đẹp tiêu biểu của mảnh đất Tây Đô.

Nhà cổ Bình Thủy còn có tên gọi khác là nhà thờ họ Dương, tọa lạc trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngôi nhà có nét kiến trúc đậm chất phương Tây này đã trên 100 tuổi. Công trình kiến trúc này đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009, bên cạnh đó còn được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận là điểm đến ấn tượng Việt Nam vào năm 2013.

Với lối xây dựng theo kiến trúc Pháp, nhà cổ Bình Thủy là nơi thu hút du khách khi đến Cần Thơ.

Nhà cổ Bình Thủy đã xuất hiện khá nhiều trên màn ảnh Việt, đây từng là bối cảnh chính của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Người đẹp Tây Đô,Chân trời nơi ấy, Cây tre trăm đốt, Nợ đời,…

Theo tư liệu, gia tộc họ Dương vào Nam Bộ lập nghiệp vào cuối thế kỷ XVIII, đến nay đã trải qua 6 thế hệ. Trong đó, Ông Dương Văn Vị (thế hệ thứ 3) là người đã chọn vùng đất Bình Thủy để xây dựng nhà. Cũng theo tài liệu, ngôi nhà được xây dựng đầu tiên vào năm 1870, với kiến trúc kết cấu bằng gỗ, lợp ngói, để thờ ông bà, tổ tiên. Mãi cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, ông Vị mới cho xây dựng lại ngôi nhà có quy mô lớn hơn. Đến năm 1904, sau khi ông mất, con trai ông là ông Dương Chấn Kỷ tiếp tục cho xây dựng tới năm 1911 mới hoàn thành và là ngôi nhà hiện tại. Toàn bộ ngôi nhà có diện tích khuôn viên 6000 m2, mặt chính quay ra hướng Đông, trước nhà có khoảng sân rộng được trang trí bể cảnh và non bộ là yếu tố minh đường và bình phong trong phong thủy.

Nhà cổ Bình Thủy bên ngoài thiết kế kiến trúc kiểu Pháp năm gian, hai mái, nhưng bên trong lại được bài trí theo đặc trưng truyền thống của một gia đình người Việt, do gia tộc họ Dương xây dựng vào năm 1870. Ba gian trong dùng làm nơi thờ tự, hai gian hai bên dùng làm nơi sinh hoạt của gia đình. Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung. Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện, ô hộc được tạo tác bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người Việt ở Nam Bộ.

Bên trong ngôi nhà được trang trí sang trọng nhưng không làm mất đi phong cách Nam Bộ.

Hiện, đây được xem là ngôi nhà cổ đẹp nhất ở TP Cần Thơ và cũng là mẫu nhà cổ hiếm hoi sót lại khá nguyên vẹn, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như quá trình phát triển dưới nhiều tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Cần Thơ hiện nay có hơn 70 ngôi nhà cổ, nhưng nhà cổ Bình Thủy như là một khoảng lặng trầm mặc mang vẻ đẹp văn hóa, con người xứ “gạo trắng nước trong”. Khi đến đây du khách không chỉ được tham quan về kiến trúc, mà còn được nghe thêm về nhiều câu chuyện li kỳ về ngôi nhà. Chính vì thế mà nhà cổ Bình Thủy luôn mang đến cho nhiều người một dư vị ngọt ngào, nhẹ nhàng của sắc màu hoài cổ, đầy sức hút.

Mặc dù đã hơn 100 năm, trải qua biết bao thăng trầm của của thời gian và lịch sử, nhà cổ Bình Thủy vẫn may mắn nguyên vẹn trước bom đạn của kẻ thù, được nhiều thế hệ chăm sóc, giữ gìn và tu tạo, trở thành một di sản văn hóa quý báu ở miền Tây Đô.

PHÚC HẬU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024