ISSN-2815-5823

Nhà đầu tư sốt ruột chờ mở trường đua ngựa

(KDPT) – Mặc dù Nghị định về kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế đã có hiệu lực hơn 2 năm, nhưng đến nay, các nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái thấp thỏm chờ đợi…

Tiếp tục chờ đợi

Lại vừa từ Hàn Quốc sang Việt Nam, ông Hong Nam-pyo, Giám đốc Công ty GOMAX I&D không hề giấu giếm sự sốt ruột trước việc Dự án Trường đua ngựa quy mô 1,5 tỷ USD ở Vĩnh Phúc mà GOMAX I&D đang theo đuổi vẫn chưa thể có được sự chấp thuận của Chính phủ. “Các cơ quan chức năng Việt Nam đã xem xét quá lâu”, ông Hong Nam-pyo nói.

Dễ hiểu vì sao ông Hong sốt ruột. Bởi từ hơn 10 năm trước, công ty của ông đã bắt đầu đệ trình lên các cơ quan chức năng một dự án trường đua ngựa trị giá 570 triệu USD tại Vĩnh Phúc, nhưng cuối cùng đã không được chấp thuận chỉ vì Việt Nam chưa có hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.

Hay tin Việt Nam sẽ hợp thức hóa kinh doanh đặt cược, GOMAX I&D đã trở lại và đề xuất một dự án có quy mô lên tới 1,5 tỷ USD. Cuối năm 2016, GOMAX I&D đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai xây dựng dự án này tại địa phương. Tháng 1/2017, khi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế được ban hành, ông Hong đã khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều năm đeo đuổi, dự án của GOMAX I&D vẫn đang tiếp tục phải chờ.

May mắn hơn dự án trường đua ngựa ở Vĩnh Phúc, Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng -Trường đua ngựa của Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) vào cuối năm ngoái đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cách đây ít tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Dự án này cũng thuộc diện “nằm im chờ thời” từ lâu. Lần đầu tiên, dự án này được đề xuất vào năm 1999, nhưng sau đó cũng vì vấn đề hành lang pháp lý mà nhà đầu tư nước ngoài rút lui và tận khi Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP thì mới quay trở lại.

Không chỉ có hai dự án trên, trong vòng 2 năm qua, khá nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam với kế hoạch mở các trường đua ngựa. Một nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đề xuất dự án 500 triệu USD tại Bắc Ninh. Trong khi đó, Golden Turf Club Pty. Ltd (Hồng Kông) đã được trao chủ trương đầu tư để triển khai dự án trường đua ngựa 100 triệu USD ở Phú Yên. Cách đây ít tháng, Đà Nẵng cũng đã trao quyết định đầu tư dự án trường đua ngựa và trung tâm huấn luyện, nhân giống ngựa khoảng 200 triệu USD cho Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam.

Nhà đầu tư đến nhiều, nhưng hiện thực hóa gần như chưa có. Hiện mới chỉ có trường đua ngựa Đại Nam ở Bình Dương đi vào hoạt động và đang xin phép được kinh doanh cá cược tại đây. Tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam đều “nhắm” đến kinh doanh cá cược đua ngựa, nhưng vẫn đang phải chờ đợi sự cho phép của Chính phủ.

Hiện mới chỉ có trường đua ngựa Đại Nam ở Bình Dương đi vào hoạt động và đang xin phép được kinh doanh cá cược tại đây. Ảnh: Đức Thanh

Tin liên quan
>>> Cần chuyển đổi 80 héc-ta đất nông nghiệp để xây dựng trường đua ngựa Sóc Sơn
>>> Đầu tư 200 triệu USD cho trường đua ngựa tại Đà Nẵng

Sự cẩn trọng cần thiết

Kinh doanh cá cược vốn là ngành kinh doanh nhạy cảm, giống với kinh doanh casino. Đó là lý do vì sao, sau nhiều suy tính, cuối cùng, đầu năm 2017, cả hai nghị định về kinh doanh casino và kinh doanh cá cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế mới được Chính phủ chính thức thông qua.

Với casino, dù Nghị định cho phép thí điểm người Việt Nam vào chơi trong casino, nhưng cuối cùng, phải sau 2 năm, casino Corona ở Phú Quốc mới chính thức được Chính phủ cho phép thí điểm cho người Việt Nam vào chơi vào tháng 1 năm nay.

Bởi thế, sự chờ đợi của các nhà đầu tư trong lĩnh vực đua ngựa là khá dễ hiểu. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang rất thận trọng xem xét từng dự án rồi mới quyết định có cho phép triển khai hay không. Kinh doanh cá cược đua ngựa là ngành kinh doanh có điều kiện.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất cẩn trọng khi xem xét các dự án trước khi trình Chính phủ. Chẳng hạn, với Dự án trường đua ngựa ở Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến việc triển khai dự án dù ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, nhưng không tác động đến quy hoạch sử dụng đất lúa của TP. Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn.

Trong khi đó, với dự án ở Đà Nẵng, các vấn đề được nhắc đến là dự án này phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, bởi theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP, một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, là địa điểm đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ngoài ra, năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng đặc biệt được quan tâm.

Theo các chuyên gia, sự thận trọng như trên là cần thiết, bởi đây là ngành kinh doanh khá mới mẻ tại Việt Nam, lại nhạy cảm, nên phải tính toán tổng thể để hạn chế những tác động tiêu cực, giống như với kinh doanh casino.

Điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó:

Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư;

Đã trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh để tổ chức hoạt động đua ngựa, đua chó và kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó theo quy định tại Nghị định này;

Có phương án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó khả thi, phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn phát hành vé đặt cược phù hợp quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.

Nguồn: Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế

Theo Báo Đầu tư



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/12/2024