Nhà liền kề là gì? Những điều cần biết khi sở hữu nhà liền kề
Nhà liền kề là gì? Nhà ở liền kề là khái niệm bất động sản quen thuộc với người dân. Nhà liền kề đáp ứng được nhu cầu ở ngày càng tăng cao cũng như tiêu chí về sự tiện nghi, thẩm mỹ. Do vậy, các dự án nhà ở được đầu tư, xây dựng ngày càng nhiều tại các khu đô thị.
Nhà liền kề là gì?
Nhà ở liền kề là gì? Trong luật, nhà liền kề đã được quy định rõ ràng về định nghĩa cũng như nguyên tắc khi sở hữu, còn gọi là nhà liên kế. Theo Mục 3, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012, nhà liên kế có các dạng sau:
“Nhà ở liên kế: Loại nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân được xây dựng liền nhau, thông nhiều tầng được xây dựng sát nhau thành dãy trong những lô đất nằm liền nhau và có chiều rộng nhỏ hơn so với chiều sâu (chiều dài) của nhà, cùng sử dụng chung một hệ thống hạ tầng của khu vực đô thị.
Nhà ở liên kế mặt phố (nhà phố): Loại nhà ở liên kế, được xây dựng trên các trục đường phố, khu vực thương mại, dịch vụ theo quy hoạch đã được duyệt. Nhà liên kế mặt phố ngoài chức năng để ở còn sử dụng làm cửa hàng buôn bán, dịch vụ văn phòng, nhà trọ, khách sạn, cơ sở sản xuất nhỏ và các dịch vụ khác.
Nhà ở liên kế có sân vườn: Loại nhà ở liên kế, phía trước hoặc phía sau nhà có một khoảng sân vườn nằm trong khuôn viên của mỗi nhà và kích thước được lấy thống nhất cả dãy theo quy hoạch chi tiết của khu vực.”
Như vậy, nhà liền kề là ngôi nhà được xây theo một quy chuẩn riêng, đầy đủ các tính năng. Các nhà liền kề được xây sát nhau không có khoảng trống. Cấu trúc, thiết kế, nội thất và các chi tiết khác đều được làm giống nhau.
Ưu điểm - nhược điểm của nhà liền kề
Đánh giá ưu điểm - nhược điểm của dạng nhà ở liền kề:
Ưu điểm
Thiết kế sang trọng, đồng đều: Kiểu dáng nhà liền kề sẽ được quyết định bởi đơn vị xây dựng và thiết kế. Tuy nhiên, điểm chung của các dãy nhà liền kề là sang trọng, tinh tế và thường theo hướng cổ điển, phương Tây.
Vị trí đẹp: Nơi được chọn để thực hiện các dự án nhà liền kề đều được nghiên cứu kỹ lưỡng; thường nằm ở các thành phố lớn, khu đô thị, khu vực có tương lai phát triển,... Nhờ đó, cư dân sẽ được hưởng các tiện nghi đi kèm như giao thông thuận tiện, đường phố rộng lớn, công viên, trường học, trung tâm thương mại...
Trình độ dân trí cao: Vị trí trung tâm ở các thành phố lớn, đồng thời có giá trị cao nên chủ sở hữu của nhà liền kề thường có nếp sống văn minh và tầm hiểu biết nhất định. Từ đó, tạo ra cộng đồng dân cư dân trí cao.
Cơ sở hạ tầng cao cấp: Ngoại thất và nội thất của nhà liền kề đều là những sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao, độ bền lâu dài. Ngoài ra, những yếu tố xung quanh như dịch vụ, tiện ích, đường xá cũng góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng chất lượng cho khu nhà liền kề.
Nhược điểm
Không có tính cá nhân: Đặc trưng của nhà liền kề là sự thống nhất từ trong ra ngoài. Do đó, chủ nhà khó/ không được phép thay đổi những hạng mục thuộc diện phải đồng nhất trong khu nhà liền kề. Tuy nhiên, gia chủ có thể chủ động lựa chọn trang trí nội thất.
Quy trình giải quyết phức tạp: Mọi vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng đều phải thông qua ban quản lý, chủ nhà không thể tự giải quyết. Điều này khiến thời gian sửa chữa, xử lý bị kéo dài.
Không gian bị hạn chế: Với đặc điểm “liền kề”, các nhà sẽ nằm sát nhau, diện tích xung quanh nhà bị hạn chế. Đây sẽ là nhược điểm lớn cho những người ưa thích ngôi nhà không gian rộng rãi, thoáng đãng.
Yêu cầu về xây dựng nhà liền kề
Do nằm trong một khu thống nhất, giữa những địa điểm “vàng” của thành phố, nên pháp luật đã quy định rõ ràng về tiêu chuẩn xây dựng nhà liền kề. Cụ thể như sau:
1. Xây dựng nhà liền kề phải tuân theo quy hoạch chung tại các tuyến đường, tuyến phố trong đô thị. Quá trình thiết kế và xây dựng cũng phải tuân theo quy định chung về kiến trúc đô thị đối với nhà ở riêng lẻ (đã được duyệt).
2. Khi xây mới hoặc cải tạo nhà liền kề, thiết kế phải hài hòa với tổng thể kiến trúc trên tuyến phố, đảm bảo mỹ quan.
3. Nguyên tắc khi thiết kế mặt đứng cho một dãy nhà liền kề:
-
Đồng nhất về số tầng vào cao độ trong một dãy nhà
-
Hình thức kiến trúc phải hài hòa, phần mái đồng nhất với nhau
-
Sử dụng màu sắc chung
-
Thống nhất về khoảng lùi, hình thức hàng rào
-
Thống nhất về hệ thống kỹ thuật hạ tầng
-
Một dãy nhà ở liền kề có chiều dài không quá 60m, trên một đoạn phố có thể có nhiều dãy nhà
-
Bố trí đường giao thông giữa các dãy nhà, chiều rộng tối thiểu là 4m.
4. Nếu các nhà liền kề xây mới không đồng thời, thì nhà xây sau phải tuân thủ đúng quy hoạch chi tiết đã được duyệt, thống nhất với loạt nhà xây trước (cao độ nền, độ cao tầng trệt, cao độ của ban công, màu sắc hoàn thiện,...).
5. Những khu vực không được phép xây nhà liền kề trong đô thị:
-
Khu vực đã được quy hoạch để xây biệt thự
-
Khu vực đã được quy hoạch ổn định, nếu muốn xây thì phải được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền
-
Khuôn viên có công trình công cộng: Công trình thương mại, cơ sở sản xuất, dịch vụ, trụ sở cơ quan
-
Tuyến đường, khu vực đối tượng được bảo tồn kiến trúc, cảnh quan đô thị.
6. Nhà liền kề mặt phố có thể có bộ phận kết cấu chung hoặc riêng
-
Nếu tường chung thì hệ thống kết cấu gồm dầm sàn, cột... không được lấn quá tim tường chung. Chiều dày tường chung tối thiểu là 0,2m.
-
Nếu tường riêng thì chỉ được xây dựng trong giới hạn quyền sử dụng đất.
7. Nếu nhà liền kề có sân vườn thì kích thước tối thiểu của sân trước phải là 2,4m (tính từ mặt nhà tới chỉ giới đường đỏ), thống nhất theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Nếu nhà có sân sau thì kích thước không nhỏ hơn 2m.
8. Đảm bảo các quy định liên quan như môi trường, giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy...
Tính pháp lý của nhà liền kề
Nhà liền kề là loại nhà thương mại có tính pháp lý (theo điều 3 trong Luật Nhà ở 2014). Chủ nhà sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây sẽ là giấy tờ hợp pháp khi có vấn đề cần kiện tụng. Mọi giao dịch chuyển nhượng hay mua bán đều cần hợp đồng, có sự đồng thuận từ hai bên.
Điểm mấu chốt khi giao dịch là bên mua/thuê cần xác thực tính chân thật của toàn bộ giấy tờ liên quan, tránh những rắc rối xảy ra về sau.
So sánh nhà liền kề và shophouse
Nhà liền kề và shophouse thường bị nhầm lẫn do có nhiều đặc điểm tương tự. Trên thực tế, khi “nhìn qua”, hai mô hình trên có điểm chung lớn là sự đồng nhất giữa các ngôi nhà. Tuy nhiên, shophouse và nhà liền kề vẫn có những điểm khác biệt nhất định.
Giống nhau:
-
Đồng nhất về mặt thiết giữa các ngôi nhà
-
Nhà được xây dựng sát nhau và không có khoảng trống ngăn giữa.
Khác nhau:
-
Nhà liền kề có mục đích duy nhất là để ở, nên mọi thiết kế đều được tối ưu nhằm tạo không gian sinh hoạt tốt nhất cho gia chủ. Vị trí cũng nằm trong khu đô thị, trung tâm thành phố để tiện cho việc đi lại, mua bán và giải trí. Thời gian sử dụng hợp pháp lâu dài.
-
Shophouse có 2 mục đích, kinh doanh và ở nên thiết kế được nghiên cứu để phục vụ 2 hoạt động. Mật độ xây dựng shophouse lên đến 100%, thời gian sở hữu chỉ kéo dài 50 năm.
Như vậy, bài viết trên đã giải đáp câu hỏi nhà liền kề là gì. Với những thông tin trên, nhà liền kề chắc chắn là lựa chọn hoàn hảo cho những người đang tìm kiếm “mái ấm” của riêng mình./.