Chính sách này đã minh thị về quyền bình đẳng cho tất cả nhà đầu tư, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, quyền khởi kiện, không quốc hữu hóa… trong đầu tư kinh doanh theo thông lệ quốc tế.

Trong khoa học pháp lý, đầu tư là việc “nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”. Trong kinh tế học, đầu tư là hành động “bỏ vốn ngày hôm nay với kỳ vọng sẽ thu được khoản lợi nhuận mong muốn trong tương lai”, hoặc “một thứ đáng mua vì nó có thể sinh lời trong tương lai”. Kết quả của đầu tư không chỉ là lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư mà còn có thể mang lại những lợi ích chung cho xã hội như tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế.

Vừa qua, trong quá trình thực hiện Chuyên đề: “Nhận diện cơ chế quản lý trong kinh doanh: Góc nhìn thực tiễn từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp”, chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát để lấy ví dụ thực tế minh chứng cho Chuyên đề, qua đó, đã nhận được ý kiến phản ánh của Doanh nghiệp tư nhân nhựa Thế Phương tại xã Thủy Phương, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ý kiến từ doanh nghiệp, để thuận lợi cho công ty trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, UBND TX. Hương Thủy đã có tờ trình số 111/TTr-UBND ngày 11/7/2022 về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xưởng sản xuất ống nước nhựa PVC, HD của DNTN nhựa Thế Phương tại cụm công nghiệp Thủy Phương. UBND TX. Hương Thủy đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm tạo điều kiện nhằm sớm có quỹ đất phục vụ di dời để hoàn trả mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Glimex tại thị xã Hương Thủy. UBND TX. Hương Thủy đã giới thiệu bố trí lô đất có ký hiệu DSX-34, diện tích 9.582,5m2 nằm trên trục đường gom nội bộ số 01, Cụm công nghiệp Thủy Phương. DNTN nhựa Thế Phương đã cơ bản thống nhất với địa điểm giới thiệu và lập thủ tục đăng ký thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đơn thư phản ánh của doanh nghiệp, thì trước đó doanh nghiệp này bị cưỡng chế thu hồi đất tại địa điểm cũ (phường Phú Bài), buộc trả lại mặt bằng để thực hiện dự án KCN Gilimex Phường Phú Bài, trong quá trình thu hồi, làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hứa sẽ tạo điều kiện giao đất địa điểm mới tại Cụm CN Thủy Phương cho doanh nghiệp. Tuy nhiên tính đến nay việc giao đất, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp Thế Phương tại địa điểm mới này vẫn chưa thể thực hiện.

Sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất tại địa điểm cũ, hàng chục tấn rác thải không có chổ để, doanh nghiệp đành xếp tạm dọc ven đường.

Căn cứ chức năng và tôn chỉ mục đích của tòa soạn về hoạt động doanh nhân -doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, kinh tế - thương mại, tư vấn phản biện chính sách về các vấn đề trên, chúng tôi mong muốn đưa những phản ánh từ doanh nghiệp, để kết nối các cơ quan quản lý, sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện nay. Theo hồ sơ PV được cung cấp của doanh nghiệp như sau:

Ngày 9/11/2009 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có hợp đồng số 91/HĐTĐ về việc đồng ý cho Công ty TNHH ace Vina Constructions, có trụ sở khu 7, thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy, do ông Kim Dae Jong, quốc tịch Hà Quốc làm đại diện. Thuê khu đất có diện tích 25.680m2, tọa lạc tại thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, với mục đích sử dụng Xây dựng nhà điều hành KCN Phú Bài giai đoạn II. Giá tiền thuê đất được tính 7.740 đồng/m2/năm, giá tiền cho thuê đất này được ổn định 05 năm, kể từ ngày 17/9/2009.

Tại K3, Điều 4 HĐ số 91/HĐTĐ nêu “trường hợp bên thuê đất bị chia tách sát nhập, chuyển đổi doanh nghiệp mà hình thành pháp nhân mới, bán tài sản gắn liền với đất thuê cho tổ chức cá nhân khác thì pháp nhân mới, người nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê hoặc tổ chức cá nhân mua tài sản được tiếp tục thuê đất trong thời gian còn lại của của hợp đồng này.

Ngày 8/10/2010 Công ty TNHH ace Vina Constructions được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó có thửa đất số 01, tờ bản đồ số 38, diện tích 25.680m2, mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh; thời hạn sử dụng đất tính đến ngày 22/6/2057; nguồn gốc sử dụng nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.

Bà Trần Thị Huyền - Giám đốc Doanh nghiệp Thế Phương làm việc với PV

Theo bà Trần Thị Huyền - chủ doanh nghiệp Thế Phương, ngày 03/10/2016 giữa bà và ông Trần Quốc Việt (đại diện ủy quyền công ty ace Vina Constructions) đã có hợp đồng thuê đất nhà xưởng với diện tích thuê là 25.680m2. Ngày 9/9/2018 ông Kim Dae Jong chủ tịch HĐQT công ty TNHH ace Vina Constructions và bà Trần Thị Huyền giám đốc DNTN Thế Phương đã lập, ký kết thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, trong hợp đồng cam kết công ty Vina Constructions sẽ chuyển 100% cổ phần của công ty cho bà Huyền trong đó bao gồm toàn bộ giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận QSDĐ số BA349509 với diện tích 25.680m2 và các giấy tờ liên quan đến dự án KCN Phú Bài giai đoạn 3. Vì vậy doanh nghiệp Thế Phương đã hoạt động ổn định, tạo điều kiện công việc cho người lao động địa phương từ khi thuê đất cho đến khi bị cưỡng chế là hơn 5 năm không có tranh chấp hay xử phạt nào.

Ngày 07/7/2021. UBND TX. Hương Thủy đã có QĐ số 2489/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex (đầu tư hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn 3 tại phường Phú Bài, Tx, Hương Thủy, trong đó có thửa đất mà doanh nghiệp Thế Phương và công ty Ace Vina Constructions đang sử dụng), đồng thời ngày 25/3/2022 UBND tỉnh ra quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai số 744/QĐ-UBND tỉnh đối với doanh nghiệp Thế Phương số tiền 280 triệu đồng. Ngày 30/6/2022, UBND Thị xã Hương Thủy đã ra quyết định số 1835/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất của Công ty TNHH ace vina Constructions và doanh nghiệp Thế Phương đang sử dụng vì thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex, tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Doanh nghiệp Thế Phương cho rằng, sau nhiều lần Doanh nghiệp kiến nghị, khiếu nại yêu cầu hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 744/QĐ-XPVPHC ngày 25/3/2022. Ngày 18/5/2022 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo số 181/TB-UBND về việc thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu của doanh nghiệp Thế Phương. Thông báo nêu rõ, sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại của bà Trần Thị Huyền, doanh nghiệp tư nhân Thế Phương, căn cứ quy định của pháp luật và xét báo cáo số 98/BC-STNMT ngày 22/4/2022 của Sở TNMT về đề xuất thụ lý giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy đơn khiếu nại của bà Trần Thị Huyền, DNTN Thế Phương đủ điều kiện thụ lý.

Sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Thế Phương có khu vực sản xuất, kinh doanh, UBND thị xã Hương Thủy đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét chấp thuận chủ trương, đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục đầu tư, thuê đất để doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Ngày 31/8/2022 Sở TNMT đã có công văn số 3087/STNMT-QLĐĐ về việc bổ sung kế hoạch sử dụng đất tx. Hương Thủy, trong đó, lô đất ký hiệu DSX-34 giới thiệu cho doanh nghiệp Thế Phương đã được bổ sung vào “Cụm công nghiệp Thủy Phương, với diện tích 12,91ha tại phường Thủy Phương”.

Bà Trần Thị Huyên cho biết: “Từ năm 2016 đến thời điểm bị thu hồi đất (năm 2022), doanh nghiệp của tôi đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 công nhân là người dân tộc sinh sống tại Huế, lĩnh vực tôi hoạt động là thu gom rác thải, tái chế rác thải sinh hoạt, thế nên hằng năm doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ cho tỉnh nhà giảm bớt trên 50 tấn rác thải, giảm ô nhiễm môi trường cho nhiều địa phương. Hiện nay doanh nghiệp bị buộc cưỡng chế thu hồi đất và xử phạt VPHC, hệ thống máy móc của doanh nghiệp không có chổ để vứt ngoài trời hư hỏng hết, công nhân mất việc làm, rác thải dư thừa phải để chỏng chơ ven đường, bản thân tôi cũng thấy xót xa. Trước đó UBND Tx. Hương Thủy và các ban, ngành tỉnh đã có văn bản cam kết sau khi doanh nghiệp chấp thuận di dời, sẽ cấp đất chỗ mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp đã nhiều lần thực hiện thủ tục hành chính, nhưng kết quả của việc giao đất và giải phóng mặt bằng cho công ty vẫn chưa thấy thực hiện”.

Máy móc của doanh nghiệp hư hỏng, gỉ sét vì không có địa điểm để hoạt động sản xuất

Qua kênh truyền thông báo chí, Công ty nhựa Thế Phương mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chính sách từ phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm có mặt bằng thúc đẩy công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp người lao động có công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng phát triển nguồn lực kinh tế của tỉnh nhà.