ISSN-2815-5823
Bình Minh
Chủ nhật, 06h00 02/06/2024

Nhiều doanh nhân tại Thanh Hoá bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh

(KDPT) - Cục thuế Thanh Hóa và các chi cục thuế trực thuộc liên tiếp ban hành các văn bản đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc doanh nghiệp do chây ì nợ thuế và nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nhà nước.
Nhiều doanh nhân tại Thanh Hoá bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.
Nhiều doanh nhân tại Thanh Hoá bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.

Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Anh Tuân, nơi cư trú hiện nay tại Khu Tập thể Thành Công, đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ông Tuân là Giám đốc Công Ty TNHH FLC SamSon Golf & Resort, địa chỉ trụ sở tại FLC SamSon Golf Links, đường Hồ Xuân Hương, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Vũ Anh Tuân bị tạm hoãn xuất cảnh do Công Ty TNHH FLC SamSon Golf & Resort là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Đây là công ty thực hiện nhiều dự án của FLC tại Thanh Hóa, trong đó, đáng chú ý là dự án Khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort với quy mô 200 ha bao gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, câu lạc bộ... có quy mô đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4 năm 2024, doanh nghiệp này đang nợ thuế hơn 14 tỷ đồng.

Một doanh nhân khác khá nổi tiếng tại Thanh Hoá cũng bị đưa vào diện tạm hoãn xuất cảnh là ông Tào Quốc Tuấn. Ông Tuấn là người đại diện pháp luật Chi nhánh Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh tại Thanh Hóa, có địa chỉ tại Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Tính đến hết tháng 4 năm 2024, doanh nghiệp của ông Tuấn đang nợ thuế hơn 7,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hàn Nguyên Hoàng (trú tại đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Ông Hoàng là Giám đốc Công ty Cổ phần Khách sạn Lam Kinh.

Được biết, Khách sạn Lam Kinh do Tổng Công ty xây dựng dầu khí làm chủ đầu tư, sau đó được bàn giao lại cho Công ty Cổ phần xây dựng Vinaconex - PVC rồi Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Thanh Hóa. Theo tìm hiểu, tháng 8/2009, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư, khởi công xây dựng dự án khách sạn Lam Kinh trên diện tích khoảng 1,8 ha, cạnh đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Công trình đã được tỉnh Thanh Hóa chọn làm công trình chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

Theo thiết kế được phê duyệt, Khách sạn Lam Kinh có 222 phòng ngủ, trong đó có 1 phòng tổng thống, 7 phòng hạng sang, 34 phòng cao cấp, phòng hội thảo 600 chỗ ngồi, nhà hàng có sức chứa 250 người… Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, Khách sạn Lam Kinh còn có các dịch vụ: Ăn uống, hội thảo, tổ chức tiệc cưới; dịch vụ vui chơi, giải trí như: Sân tennis, bể bơi, massage, karaoke… Đây là khách sạn 4 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Thanh Hóa, với tổng kinh phí đầu tư gần 500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tính đến hết tháng 4 năm 2024, Khách sạn Lam Kinh đang nợ thuế 2,5 tỷ đồng.

Cũng trong những ngày cuối tháng 5, Cục thuế Thanh Hóa đã ra thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Cao Hoàng Đức (trú tại Dinh thự Thành An, phố An Chính, phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ông Đức là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng Thanh Hóa. Ông Đức được nhiều người biết đến với tư cách là Giám đốc điều hành Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa./.​

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine