ISSN-2815-5823

Nhiều kết quả nổi bật trong phát huy giá trị văn hóa xây dựng nông thôn mới

(KDPT) - Văn hóa đã trở thành một trong những nội dung then chốt, bảo đảm tính bền vững và là nền tảng, động lực quan trọng để cả nước tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Quảng Nam: Thị xã Điện Bàn xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả tích cực Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Biến bất lợi thành cơ hội

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, môi trường xanh, sạch, đẹp và xây dựng môi trường sống ổn định, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Có nhiều quan niệm khác nhau về nông thôn mới, tập trung vào tính tiên tiến của nông thôn kiểu mới so với nông thôn truyền thống. Có thể hiểu "nông thôn mới là kết quả của một quá trình phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược mới, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế mới ở nông thôn trong các điều kiện cụ thể của từng vùng nông thôn", hay chính là việc xây dựng một diện mạo mới, ưu việt hơn so với nông thôn truyền thống.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là quá trình tạo ra sự thay đổi về mặt kiến trúc, cảnh quan, kết cấu hạ tầng mà còn là sự thay đổi về nếp sống, suy nghĩ và thực hành văn hóa của người dân, đáp ứng các yêu cầu của xã hội đang phát triển.

Sau hơn 12 năm bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, văn hóa đã trở thành một trong những nội dung then chốt, bảo đảm tính bền vững và là nền tảng, động lực quan trọng để cả nước tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt, trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Nhờ chú trọng tiêu chí phát triển văn hóa với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn, nhiều địa phương trong cả nước đã nâng cao các hoạt động văn hóa, thu hút khách du lịch và tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Ninh Bình từng là cố đô của 3 triều đại phong kiến Đinh, Tiền Lê, Lý; một trong những cái nôi văn hóa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ với nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, tỉnh là địa phương duy nhất ở Việt Nam và cũng là số ít trong khu vực sở hữu danh hiệu di sản kép: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Với những đặc trưng, thế mạnh riêng có, Ninh Bình đang tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đó trong quá trình xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng đô thị Cố đô di sản.

Nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, diện mạo huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã đổi thay toàn diện. (Ảnh: VGP)

Hiện, địa bàn tỉnh có 77 làng nghề, đa phần các làng nghề sở hữu bề dày lịch sử văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, có truyền thống lịch sử hàng trăm năm, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm hơi thở quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư.

Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tạo nên cốt cách riêng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách; đồng thời mang đầy đủ đặc trưng của con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hơn 12 năm qua của tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh, sự vào cuộc hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và người dân, với nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có lộ trình cụ thể, đến nay Chương trình đã đạt được những thành quả to lớn. Hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trật tự xã hội được giữ vững là tiền đề quan trọng thu hút đầu tư phát triển kinh tế nông thôn.

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát huy giá trị văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới thành công. Theo Bí thư Huyện ủy Tháp Mười Trần Thị Quý, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, huyện đã đầu tư nâng cấp dịch vụ du lịch tại Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống.

Tại chợ quê Gò Tháp, mô hình ẩm thực kết hợp với giao lưu âm nhạc đờn ca tài tử đã tạo thành sản phẩm văn hóa riêng biệt của địa phương. Lượng khách đến chợ tăng theo từng phiên, từ 3.000 lượt khách phiên chợ thứ nhất đã tăng lên 9.000 người ở phiên chợ thứ 5.

Doanh thu bán hàng tăng dần, ước đạt từ 150 triệu đồng đến 450 triệu đồng/phiên chợ. Phần lớn du khách tham quan chợ quê đến từ các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, TP.HCM và các huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp. Theo Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp, hoạt động phiên chợ quê Gò Tháp ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm; số người dân tham gia buôn bán cũng tăng qua mỗi phiên chợ, nhờ đó góp phần tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Phiên chợ cũng góp phần nâng cao giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Thành công trong phát triển các giá trị văn hóa, biến văn hóa trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng là lựa chọn của nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tốc độ xây dựng nông thôn mới chậm hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, với bản sắc văn hóa đậm đà của các dân tộc, cùng với nỗ lực của địa phương, các thiết chế văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương.

Diện mạo nông thôn ở Bắc Kạn ngày càng đổi mới. (Trong ảnh: Đường bê-tông liên thôn khang trang tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới). (Ảnh: Bích Huyền)

Đến thăm huyện Pác Nặm, một trong những huyện nghèo nhất không chỉ của tỉnh Bắc Kạn mà còn của cả nước, mới thấy hết những nỗ lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới của người dân. Sở hữu những "báu vật" gồm:

Các làn điệu hát ru; Chữ Nôm của người Tày; Hát lượn cọi; Múa khèn H’Mông và đặc biệt là thực hành Then (di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO)... người dân địa phương đã biến những giá trị tinh thần này trở thành "con gà đẻ trứng vàng", đem lại giá trị kinh tế cao thông qua các hình thức du lịch cộng đồng và trải nghiệm. Cùng với những không gian văn hóa, làng văn hóa, địa phương có khoảng 400 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng với nhiều tiết mục khai thác vốn văn nghệ truyền thống của các dân tộc.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Pác Nặm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc giữ gìn bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa được nhân dân đồng tình ủng hộ và tự nguyện đưa vào nội dung hương ước, quy ước của thôn, bản để cộng đồng cùng thực hiện, trên tinh thần có bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa thì mới xây dựng nông thôn mới đặc sắc và bền vững; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

BẢO TRUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024