Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng lên 4,5%/năm, tăng 0,2%/năm so với trước đó.
Trước đó, Eximbank đã có 2 lần tăng lãi suất vào các ngày 7 và 14/6. Lãi suất tiết kiệm đang được áp dụng tại ngân hàng này dao động từ 3,5 đến 5,2%/năm.
Ngoài Eximbank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng đã 2 lần tăng lãi suất trong tháng 6, mức tăng từ 0,2-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này hiện là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên gửi tiền ở NCB và OceanBank, còn tại TPBank cao nhất ở mức 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... cũng chung xu hướng trên.
Lãi suất tiết kiệm tại ACB hiện dao động từ 2,8-4,9%/năm, tùy vào số tiền gửi và kỳ hạn; tại LPBank dao động từ 3,4 đến 5,6%/năm; tại Techcombank từ 2,95 đến 5%/năm.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao cho kỳ hạn 12 tháng từ 5,5-5,7%/năm bao gồm: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank)...
Đối với kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất cao nhất từ 5,05-5,45%/năm được niêm yết tại NCB, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)...
Bên cạnh đó, một số ngân hàng mới đây đã ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. Như tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024 có mệnh giá từ 10 triệu đồng, lãi suất cố định tới 8%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm 5,5%/năm mà ngân hàng này đang niêm yết.
Hoặc tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI có mệnh giá tối thiểu 1 tỷ đồng dù không niêm yết lãi suất cụ thể nhưng theo bảng minh họa, người mua sẽ có lãi từ 3-3,2% sau từ 1-3 tháng, trong khi lãi suất tiết kiệm từ 1-3 tháng tối đa tại VietinBank chỉ 2%/năm.
Đáng chú ý, ngày 24/6, VietinBank áp dụng chương trình cộng thêm lãi suất từ 0,3-0,4%/năm so với niêm yết khi gửi tiền tiết kiệm tại một trong các kỳ hạn từ 1-11 tháng cho khách hàng khi gửi tiết kiệm trực tuyến.
Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi từ dân cư vào các tổ chức tín dụng tăng mạnh lên gần 6,7 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2024, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, thời điểm tháng 3/2024 cũng là lúc mặt bằng lãi suất huy động gần như ở mức thấp nhất tại hầu hết các kỳ hạn. Bất chấp điều đó, tiền gửi vẫn tăng mạnh. Theo giới chuyên gia, dòng tiền vẫn tìm về ngân hàng dù lãi suất thấp có nguyên nhân chính là do các kênh đầu tư khác nhiều biến động khó lường, kém ổn định và triển vọng sinh lời thấp.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần từ mức đáy. Mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng từ 0,5-1%/năm, nhưng sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân từ 0,5-1%/năm so với vùng đáy./.