ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ năm, 06h27 16/05/2024

Nhìn lại quá trình phát triển của công nghiệp Việt Nam

(KDPT) - Công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến được ví như “xương sống” của nền kinh tế sau 73 năm phát triển không ngừng nghỉ.

Công nghiệp hiện đã cho thấy vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, là “trợ lực” lớn mang đến sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Phát triển công nghiệp là một nội dung quan trọng tại Việt Nam, có mối liên hệ chặt chẽ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, qua đó xây dựng và phát triển nền kinh tế tự chủ, độc lậpvvà hội nhập quốc tế.

Động lực cho kinh tế tăng trưởng

Cơ cấu ngành công nghiệp trong giai đoạn 10 năm (2011-2020) đã dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước khẳng định vai trò quan trọng, là động lực để kinh tế tăng trưởng. Tỷ trọng trong GDP của công nghiệp đã tăng từ 26,6% năm 2011 lên mức 27,5% năm 2020. 

Sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ngày càng khả quan theo hướng giảm tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên, từ mức 9,9% năm 2011 còn 5,6% năm 2020 và tăng tỷ trọng của các ngành chế tạo, chế biến, từ 13,4% lên 16,7% trong cùng giai đoạn, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực và thế giới.

Sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ngày càng khả quan theo hướng giảm tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên.
Sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ngày càng khả quan theo hướng giảm tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên.

Với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế với bình quân cả thời kỳ đạt 10,4%/ năm, công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của ngành công nghiệp và nền kinh tế. Cơ cấu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có sự dịch chuyển tích cực, với tỷ trọng ngày càng gia tăng của các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng từng bước nhu cầu về nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện trong nước và cải thiện tỷ lệ nội địa hóa…

Công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã có bước phát triển tăng vọt, đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tễ, xã hội, cải thiện tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Bên cạnh các hoạt động thu hút đầu tư với sự gia nhập của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và các công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, bao gồm hình thành và phát triển được các tập đoàn lớn vận hành trong các lĩnh vực công nghiệp cơ bản, cơ khí chế tạo, vật liệu như Hòa Phát, Vingroup, Viettel, Trường Hải, Thành Công… là cơ sở cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thaco Trường Hải là một trong những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thể hiện khát vọng đưa sản phẩm công nghiệp sản xuất chế tạo Made in Vietnam ra toàn cầu chính là trợ lực thôi thúc doanh nghiệp vươn lên từ những ngày đầu. Theo ghi nhận từ Thaco Trường Hải, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%.

Thaco đang chứng minh được rằng doanh nghiệp Việt có thể làm chủ công nghệ sản xuất ô tô, công nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu trong nước và nước ngoài. Đó cũng là nền tảng quan trọng để hướng đến xây dựng một nền kinh tế tự chủ và độc lập.

Ngành công nghiệp đã phát triển về chiều rộng nhưng chưa phát triển về chiều sâu.
Ngành công nghiệp đã phát triển về chiều rộng nhưng chưa phát triển về chiều sâu.

Chẳng hạn như công nghiệp thép, ngành thép Việt Nam đã làm chủ khoa học công nghiệp, nền công nghiệp thép với tổng công suất sản xuất 25 triệu tấn thép thô/ năm, xuất khẩu (XK) thu về hàng chục tỷ USD, trong khi trước đây là một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu.

Vai trò chủ đạo của công nghiệp nền tảng

Ngành công nghiệp thời gian qua mới phát triển về chiều rộng song vẫn chưa phát triển về chiều sâu, dù đạt được nhiều kết quả. Tiến trình công nghiệp hóa cho thấy khá chậm chạp.

Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, các ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển mô hình kiểu cũ dựa vào xuất khẩu. Riêng dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, điện tử xuất khẩu khoảng 95 100 tỷ USD/ năm, da giầy xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD. Đó là 3 ngành mà nước ta chủ yếu tập trung ở khâu hạ nguồn, nhân công giá rẻ mà tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 150 tỷ USD/270 tỷ USD mỗi năm.

Theo ông Hoài nhìn nhận về câu chuyện phát triển công nghiệp, dù FDI vào Việt Nam hiện rất tốt song nếu đặt trường hợp lương tăng quá cao thì Việt Nam sẽ còn lại gì nếu FDI rút đi? Nguy cơ FDI rút khỏi Việt Nam là khá rõ ràng khi thu nhập trên đầu người của Việt Nam tăng cao.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, do đó nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng yếu đi. Ông Ngô Trí Long cho rằng với độ mở kinh tế lớn, song quy mô còn hạn chế, cũng như sức chịu đựng có hạn nên chúng ta phải tạo dựng một nền kinh tế tự chủ để đối đầu với những tác động bên ngoài.

Cả doanh nghiệp và chính quyền cần chịu khó, thể hiện quyết tâm và tham gia chắc chắn từng bước một để phát triển công nghiệp thành ngành xương sống. Nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu xây dựng nền sản xuất tự chủ, cải thiện nội lực về khoa học công nghệ, nhân lực và xúc tiến liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu.

Nhìn lại quá trình phát triển của công nghiệp Việt Nam - ảnh 3

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến về phát triển ngành công nghiệp trong dài hạn hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp tự chủ, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2030. Mục tiêu này khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, những đột phá về hệ thống chính sách phát triển công nghiệp để triển khai công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thắng lợi trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, kỳ vọng Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển tổng thể các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 sẽ là nền tảng vững vàng để nước ta hoàn tất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Tính đến năm 2035, công nghiệp nước ta được phát triển thân thiện với môi trường.

Kế hoạch sẽ huy động hiệu quả tất cả nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo để ưu tiên phát triển.

Đặc biệt, công nghiệp Việt Nam được phát triển với hầu hết các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến vào năm 2035, có chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, dùng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật năng suất cao, thực hiện các khâu nghiên cứu, chế tạo, thiết kế chủ động.

Mục tiêu cụ thể của ngành công nghiệp nêu rõ giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7,0-7,5%/năm; đạt 7,5-8,0%/năm giai đoạn 2026-2035, còn tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11,0-12,5%/năm và 10,5- 11,0%/năm tương ứng với giai đoạn 2021-2025 và 2026-2035./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/05/2024