ISSN-2815-5823

Gia tăng sức hấp dẫn các khu công nghiệp Việt Nam

(KDPT) - Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để phát triển bền vững và tăng sức hấp dẫn cho các khu công nghiệp còn rất nhiều việc phải triển khai, giải quyết.

Giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa..., tuy nhiên, các khu công nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Đóng góp lớn

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Nguyễn Quang Vinh thông tin, hiện nay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, qua đó góp phần vào chuyển dịch cán cân thương mại từ nhập siêu đến cân bằng và sang xuất siêu, góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: Tiến Minh)
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: Tiến Minh)

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, dù đóng vai trò quan trọng song quá trình phát triển bền vững của các khu công nghiệp, gia tăng sức hấp dẫn và sức cạnh tranh của chính vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần giải quyết. Theo khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khu kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị tại 118 khu công nghiệp trên cả nước của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho thấy tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp. Theo đó, các chỉ số về chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường (chỉ 39%); chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (10%); chính sách về chuyển đổi số (13%), chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội (21%).

Khảo sát cho thấy, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế và điều đặc biệt đáng lưu ý là 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp ở các phương diện về tài chính, xã hội, môi trường. Ngoài ra, còn có các điểm nghẽn như xây dựng chính sách, quản trị liên quan tới phát triển bền vững.

Cả nước hiện có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Cả nước hiện có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động, do đó, dư địa là rất lớn.

Với Chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 được đưa ra cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 đây là những yêu cầu bức thiết để các khu công nghiệp khu kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững. Trước những yêu cầu mới này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi thay vào đó xu hướng phát triển sẽ tiệm cận với các yêu cầu của thế giới hướng tới các khu công nghiệp sinh thái công nghiệp, chuyển mô hình sản xuất sang nền kinh tế tuần hoàn.

Giải pháp nào?

Ông Ling Foong - Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam. (Ảnh: Tiến Minh)
Ông Ling Foong - Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam. (Ảnh: Tiến Minh)

Ông Ling Foong - Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam nhận định, khi Việt Nam hướng tới là nơi sản xuất công nghiệp và hậu cần đồng nghĩa với việc phải phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao nhằm mang lại môi trường làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí, gắn kết được lao động với doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển của mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam những thập kỷ gần đây, ông Ling Foong cho rằng, các khu công nghiệp có sự chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống thành mô hình công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh, trong đó đáp ứng các yếu tố sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi và giải trí.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nếu xây dựng khu công nghiệp bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội, cần tạo môi trường làm việc tốt hơn trong khu công nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Để đạt được yêu cầu về phát triển bền vững các khu công nghiệp cần có các kế hoạch hành động cụ thể và cam kết mạnh mẽ hơn. Các quy định pháp lý của Nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung với mục tiêu tạo điều kiện cho các khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình mới.

Ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh. (Ảnh: Tiến Minh)
Ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh. (Ảnh: Tiến Minh)

Ở góc độ ban quản lý, ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho rằng, thể chế chính sách liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn đó là ban hành Luật để tạo hành lang pháp lý cho khu công nghiệp và khu kinh tế. Bởi, theo ông Phúc, hiện nay các quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế nằm rải rác ở các Luật chuyên ngành khiến cho việc thực hiện thủ tục của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều quan trọng là cơ chế chính sách cần tạo động lực khuyến khích phát triển hơn cho các khu công nghiệp, khu kinh tế chứ không phải là làm khó.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies cho biết, để đáp ứng của người tiêu dùng Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản thì doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng thu hút đầu tư chất lượng cao, coi trọng sản xuất xanh cung cấp sản phẩm “xanh”. Một điều nữa, theo bà Virginia Foote, các quốc gia trong khu vực đang là những “đối thủ” cạnh tranh mà Việt Nam phải tính đến bởi họ cũng đang tích cực đón đầu sự thay đổi chuỗi cung ứng và nắm bắt xu hướng tất yếu trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và khả năng tiếp cận nước sạch, công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả. (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và khả năng tiếp cận nước sạch, công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả. (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Đề xuất các giải pháp, bà Virginia Foote cho rằng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và khả năng tiếp cận nước sạch, công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định để đạt hiệu quả cao trong cùng khu công nghiệp, khu kinh tế; cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện…

Bên cạnh đó, chuỗi kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ khảo sát, điều tra, thăm dò, sản xuất, phân loại, vận chuyển, lưu trữ… Do đó, khi thiết kế các khu công nghiệp sinh thái chúng ta cần thể chế hoá các quy định và tuân thủ luật chơi của thế giới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024