Sản lượng bán hàng thép xây dựng trong nước khởi sắc

Tuy nhiên, triển vọng ngành này có thể sáng hơn trong năm 2024 nhờ động lực từ thị trường Trung Quốc, nguồn cung Bất động sản và đầu tư công trong nước.

Đã xuất hiện tín hiệu phục hồi

Hiện nay, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc hay sự bùng nổ trong giai đoạn xây dựng phát triển tại Ấn Độ đang khiến nguồn cung quặng sắt, than cốc, thép phế liệu từ các nước cung ứng chính như Trung Quốc, Úc và Brazil cạnh tranh hơn, kéo theo đà tăng của giá thép.

Cùng với đó là chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư công nhằm củng cố đà tăng trưởng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông… có thể giúp thị trường thép khởi sắc hơn, bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Trong báo cáo vừa công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 9/2023, sản lượng tiêu thụ thép của các doanh nghiệp thành viên ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng 4,7% so tháng 8 và tăng 9,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt gần 1 triệu tấn, lần lượt tăng 9% và 4%.

Tính chung cả quý 3/2023, ngành thép Việt Nam tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn thành phẩm, tăng 6,3%, riêng xuất khẩu đóng góp hơn 2 triệu tấn, tăng 70% so cùng kỳ.

Thực tế, có nhiều doanh nghiệp ngành thép đang có kết quả kinh doanh và lượng tiêu thụ khả quan. Đơn cử như tại Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế 9 tháng năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.

Thị trường thép sẽ ấm theo đà phục hồi của bất động sản?

Từ đầu năm đến nay, giá thép đã trải qua 19 lần giảm giá, hiện mức giá đang được giữ quanh mốc 13,5 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản thời gian qua còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc.

Không những thế, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, kết quả của những nỗ lực kích cầu thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu khởi sắc.

Theo VPBankS kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng mạnh mẽ trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024. VPBankS cũng nhận định, đầu tư công sẽ trở thành phao cứu sinh kích cầu hoạt động xây dựng. Cụ thể, năm 2023, Bộ Tài chính công bố kế hoạch giải ngân từ đầu tư công bao kỷ lục với con số hơn 796 nghìn tỷ VND và kế hoạch do chính phủ giao hơn 707 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: VPBanks Research

Bên cạnh đó, trong năm 2023, hàng tồn kho của doanh nghiệp ngành thép đã bắt đầu giảm, không còn cao như thời điểm đạt đỉnh vào khoảng giữa năm ngoái.

Đồng thời, giới chuyên gia cũng nhận định trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, từ đó, kéo theo sự phục hồi từ các nhóm ngành khác trong đó có ngành thép.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, thị trường bất động sản sẽ được phục hồi từ năm 2024 còn là quá sớm và quá lạc quan.

Dựa vào chu kỳ lên xuống của thị trường bất động sản trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại.

Chính vì thế, VNDirect cho rằng thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.

Trên thực tế, hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả vẫn còn chưa cao./.

HÀ THU