ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 10h00 12/03/2021

Những dấu ấn nổi bật trong xây dựng Chính phủ điện tử

Cover image
(KDPT) – Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, việc triển khai Chính phủ điện tử giai đoạn 2016 – 2020 tại Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển Chính phủ số trong giai đoạn mới. Chính phủ số sẽ trở thành nền tảng dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia dựa trên cả 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Các dấu mốc nổi bật

Phiên họp thứ nhất của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra vào ngày 20/09/2018.

Các thành phần cốt lõi của Chính phủ điện tử đã được hình thành trong 5 năm qua và đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Ngày 28/08/2018, Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập vào, đã chỉ đạo các vấn đề lớn để phát triển Chính phủ điện tử của Quốc gia tại các phiên họp thường kỳ. Đến nay, Uỷ ban đã tổ chức 5 phiên họp toàn thể.

Ngày 12/03/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương vào, nhằm tăng cường trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên quy mô quốc gia. Đến nay, 100% cơ quan bộ, ngành và địa phương đã kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Ngày 09/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia được chính thức khai trương vào để tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Trong năm 2020, nhiều ứng dụng công nghệ số được phát triển để giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, đặc biệt là đối phó với những tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Các nền tảng, ứng dụng được phát triển phục vụ các nhu cầu về khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, làm việc từ xa, ứng dụng trong truy vết, khoanh vùng dịch.

Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương vào ngày 12/3/2019, nhằm tăng cường trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên quy mô quốc gia.

Ngày 14/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam”. Chỉ thị của Thủ tướng và khẩu hiệu “Make in Viet Nam” đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Ngay trong năm 2020, đã có thêm khoảng 13.000 doanh nghiệp công nghệ số được ra đời.

Ngày 03/6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg. Chương trình hướng tới tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Ngày 19/08/2020, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ được khai trương, góp phần đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số.

Cổng dịch vụ công quốc gia được chính thức khai trương.

Tại Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018. Qua đó, cho thấy chúng ta có rất nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Các nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số từng bước được xây dựng. Trong năm 2020, Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov được xây dựng để tạo điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Cổng dữ liệu quốc gia được xây dựng để từng bước cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021, các hoạt động đẩy mạnh quá trình xây dựng Chính phủ số được thực hiện. Ngày 15/01/2021, Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025 được công bố, nhằm hỗ trợ chuyển đổi IPv6 Việt Nam tập trung vào khối cơ quan nhà nước, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của cơ quan nhà nước trong giai đoạn mới.

Ngày 25/02/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư được khai trương, là nền tảng quan trọng để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giúp giảm đáng kể yêu cầu về giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên quy mô quốc gia.

Định hướng phát triển thời gian tới

Ngày 10/3/2021, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP. Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật của quá trình 5 năm thực hiện quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, vẫn tồn tại nhưng hạn chế cần khắc phục. Những bài học kinh nghiệm đã được rút ra là tiền đề cho một quá trình phát triển mới vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới. Đó là Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban để chỉ đạo thống nhất về phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019.

Phát triển các nền tảng chính phủ điện tử dùng chung để phá vỡ các điểm nghẽn trong triển khai chính phủ điện tử, bảo đảm triển khai nhanh, tiết kiệm, kết nối liên thông, tạo hệ sinh thái cung cấp dịch vụ.

Phát triển mạng lưới chuyên gia chính phủ điện tử, là những hạt nhân trong mô hình lan toả tri thức, phát triển chính phủ điện tử rộng khắp tại các bộ, ngành, địa phương.

Ưu tiên nguồn lực cho triển khai chính phủ điện tử, mỗi địa phương bố trí ít nhất 1% chi ngân sách Nhà nước cho phát triển chính phủ điện tử. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ được các sản phẩm, công nghệ lõi trong triển khai chính phủ điện tử.

Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên (2016-2020) thực hiện chương trình xây dựng Chính phủ điện tử, môi trường pháp lý cơ bản cho Chính phủ điện tử đã được hình thành. Hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng đã được xây dựng và phát huy hiệu quả, điển hình là các cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư. Các nền tảng cho Chính phủ điện tử được tập trung phát triển, đặc biệt là các nền tảng về tích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước với các mục tiêu như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%… Trong năm 2021 là năm khởi động, năm định hình chiến lược phát triển Chính phủ điện tử ở giai đoạn mới đó là Chính phủ số với 6 định hướng phát triển được đề ra.

Phát triển chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.

Tiên phong phát triển chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành chính phủ số vào năm 2025.

Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.

Ngày 25/02/2021, Lễ kích hoạt Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư được tổ chức.

Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nền tảng là giải pháp đột phá. Kết hợp mô hình tập trung và phân tán, tuân thủ Khung Kiến trúc quốc gia và Kiến trúc của các bộ, ngành, địa phương. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.

Thị trường trong nước nuôi dưỡng, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, từ đó vươn ra khu vực và thế giới. Chính phủ chủ động điều phối, quy hoạch, triển khai các hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ, phát triển các công nghệ lõi, nền tảng mở phục vụ Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ Make in Viet Nam.

Có thể thấy chương trình phát triển Chính phủ điện tử đã được phủ sóng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đó là nỗ lực của Đảng, Chính phủ và người dân cùng tham gia gây dựng. Để hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với những chủ trương, chính sách cởi mở, những đề án sáng tạo đi vào thực tiễn cùng với sự hưởng ứng của người dân, Việt Nam sẽ thực sự trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng trong thời gian ngắn nữa.

CÔNG NINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024