ISSN-2815-5823

Những mô hình P2P Lending và kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới về quản lý P2P Lending

(KDPT) - Cho vay ngang hàng là hoạt động được thiết kế, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua những tổ chức trung gian tài chính.

Những mô hình P2P Lending

Có nhiều cách thức phân loại P2P Lending tùy theo mục đích quản lý như phân loại theo vai trò tham gia của nhà đầu tư/bên cho vay trong quy trình hay như cách thức phân loại theo cơ cấu tổ chức cũng là cách thức phân loại phổ biến nhất.

Mô hình P2P Lending truyền thống

Công ty P2P Lending cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến kết nối với người đi vay, người cho vay. Theo đó thì hợp đồng vay vốn được ký kết trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay. Người cho vay sẽ chịu mọi rủi ro nếu như người đi vay không trả nợ. Vốn vay và tiền trả nợ theo hợp đồng vay được tách biệt khỏi tài khoản trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Công ty P2P Lending có nguồn thu từ phí giao dịch của các bên tham gia. Như thế, trong mô hình này, các công ty P2P Lending chỉ cung cấp nền tảng công nghệ đơn thuần.

Cho vay ngang hàng là hoạt động được thiết kế, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua những tổ chức trung gian tài chính. (Ảnh minh họa)

Mô hình P2P Lending hợp tác với ngân hàng

Có thể thấy, công ty P2P Lending đóng vai trò như đại lý môi giới đối với người cho vay và người đi vay. Trên cơ sở thỏa thuận của công ty P2P Lending và ngân hàng, sau khi nhận thông tin từ Công ty P2P Lending, ngân hàng cấp các khoản vay và sau đó bán lại cho công ty P2P Lending. Với mô hình tổ chức này thì vai trò của công ty P2P Lending không chỉ còn là cung cấp công nghệ đơn thuần mà còn tham gia trực tiếp vào quy trình tín dụng. Và trong mô hình hợp tác này, với sự tham gia của các ngân hàng trong quá trình giải ngân, rủi ro đối với người đi vay được giảm thiểu khi họ có đầy đủ điều kiện được vay, giấy tờ cần thiết sẽ được giải ngân.

Mô hình P2P Lending cam kết về lợi nhuận

Đối với mô hình này, công ty P2P Lending cung cấp các khoản vay từ chính nguồn vốn được đóng góp bởi người cho vay, nhà đầu tư. Công ty P2P Lending đánh giá, lựa chọn đề xuất vay vốn và tự chủ động tiến hành cho vay trực tiếp đối với người đi vay và hưởng lãi suất, phí (nếu có) từ khoản vay này. Nhà đầu tư đóng góp nguồn vốn vào quỹ/vốn của công ty P2P Lending cùng với lợi nhuận theo cam kết của công ty P2P Lending.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới về quản lý hoạt động P2P Lending

Mỹ

Ở Mỹ, mô hình P2P Lending đã bắt đầu xuất hiện với sự ra đời của hai công ty P2P Lending đầu tiên ở Mỹ đó là Prosper và Lending Club lần lượt vào năm 2006 và 2007.

Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường P2P Lending ở Mỹ bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng vượt bậc cả khối lượng lẫn chất lượng cho vay.

IBISWorld cho biết, từ năm 2012 đến nay, quy mô thị trường P2P Lending ở Mỹ đã phát triển đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn 2017-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên quy mô thị trường này có sự sụt giảm duy trì ở mức tổng quy mô trao đổi 819 triệu USD, với 17 doanh nghiệp và đã tạo ra 2.255 việc làm trên khắp đất nước. Dù cho quy mô thị trường giảm tuy nhiên trong năm 2020, các nền tảng P2P Lending vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ với việc Quốc hội Mỹ tiến hành mở rộng gói Chương trình Bảo vệ Tiền lương.

(Ảnh minh họa)

Bởi vì thị trường P2P Lending ở Mỹ phát triển với tốc độ nhanh, có sự liên kết chéo giữa nhà cung cấp dịch vụ P2P Lending và ngân hàng cho vay (gọi là notary model - đây chính là mô hình trong đó khoản vay sẽ được cấp từ ngân hàng đối tác thay vì bản thân công ty P2P Lending) cho nên việc dự thảo các quy định quản lý trải qua những giai đoạn phức tạp. Từ cuối năm 2015, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) quyết định áp dụng các quy tắc quản lý với hoạt động huy động và tài trợ vốn cộng đồng cho hoạt động P2P Lending. Chính vì thế, ở Mỹ, quản lý P2P Lending tập trung vào 4 mục đích chính như:

Đầu tiên, quy định về giới hạn vốn huy động. Công ty P2P Lending chỉ được huy động tối đa là 1,07 triệu USD trong mỗi năm từ nhà đầu tư, trừ trường hợp đặc biệt phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Thứ hai đó là quy định về giới hạn đầu tư cá nhân. Giới hạn đầu tư của một cá nhân được tính bằng tổng các khoản đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư trong thời gian 12 tháng và không có trường hợp ngoại lệ. Giới hạn đầu tư được xác định tùy vào thu nhập hoặc là tài sản ròng hàng năm của nhà đầu tư.

Thứ ba đó là các tiêu chuẩn cấp phép và hoạt động đối với công ty P2P Lending - tương tự như điều kiện cấp phép hoạt động đối với công ty quản lý đầu tư ở Mỹ.

Thứ tư đó là các tiêu chuẩn, yêu cầu về công khai thông tin đối với các công ty P2P Lending. Để có thể được cấp phép hoạt động, các công ty P2P Lending cần cung cấp 32 loại thông tin ngoài các chứng từ kế toán trong 3 năm tài chính liên tiếp cho SEC và hàng năm, các công ty có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động, tương tự như các tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh đó, các công ty P2P Lending bắt buộc phát hành chứng chỉ vay nợ phải thông qua một tổ chức trung gian (platform) để có thể đảm bảo công chúng có thể tiếp cận thông qua cổng Internet hay các phương tiện điện tử và tự do trao đổi thông tin về khoản vay.

Anh

Nước Anh được biết đến là cái nôi của hoạt động P2P Lending với sự xuất hiện của nền tảng P2P Lending đầu tiên trên thế giới - Zopa trong năm 2005. Với sự ra đời của Zopa, nước Anh đã trở thành nước đầu tiên xuất hiện hoạt động P2P Lending và bắt đầu với việc tài trợ các khoản vay tín chấp cá nhân. Và sau một thời gian dài hình thành và phát triển, tính đến cuối năm 2017, ở thị trường Anh có hơn 50 nền tảng P2P Lending, trong đó có 3 nền tảng lớn nhất đó là RateSetter, Zopa và The Funding Circle với mức tổng dư nợ cho vay lần lượt là 2,2; 2,9 và 3 tỷ bảng Anh. Và ba ông lớn này chiếm tổng cộng 69% thị phần, 31% chia cho hơn 47 nền tảng P2P Lending.

Những quy định nổi bật về P2P Lending ở Anh được FCA đặt ra bao gồm có quy định về vốn, quy trình cấp phép hoạt động, quy định giám sát thị trường, quy định bảo vệ người vay. (Ảnh minh họa)

Ở thị trường P2P Lending tại Anh, lúc đầu chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân. Tuy nhiên thì càng về sau, các nền tảng đã phát triển thành các tổ chức kiêm luôn việc cho vay, mở rộng đối tượng tham gia các tổ chức kiêm luôn việc cho vay và mở rộng đối tượng tham gia cả đối với các tổ chức là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù tỷ trọng P2P Lending đối với khu vực này còn thấp so với các hình thức truyền thống nhưng vẫn giữ được xu hướng tăng trưởng qua các năm xét về mức độ cạnh tranh.

Vào năm 2014, nước Anh một lần nữa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng hệ thống các quy định luật pháp về hoạt động P2P Lending. Cơ quan Kiểm soát tài chính (FCA) hiện nay là cơ quan quản lý chính cho ngành công nghiệp P2P Lending. Theo đó, cơ quan này cùng với Cơ quan Luật lệ an toàn (PRA) là hai đơn vị được tách ra từ Cơ quan Giám sát tài chính Anh Quốc (FSA). Các nền tảng P2P Lending phải được cấp phép hoạt động thông qua FCA mới có thể cấp tín dụng và trở thành thành viên của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia.

Những quy định nổi bật về P2P Lending ở Anh được FCA đặt ra bao gồm có quy định về vốn, quy trình cấp phép hoạt động, quy định giám sát thị trường, quy định bảo vệ người vay.

Trung Quốc

Có thể nhận định rằng, không có một quốc gia nào ở trên thế giới có thể so sánh với Trung Quốc về tốc độ phát triển và mức độ sử dụng các nền tảng P2P Lending. Các nền tảng cho vay trực tuyến đang ngày càng được sử dụng rộng rãi, phổ biến tính từ khi nền tảng đầu tiên được ra mắt vào năm 2007 - nền tảng PPdai.

Lúc đầu thì ngành công nghiệp này đã được các nhà chức trách buông lỏng quản lý, không bị ràng buộc hoặc là giám sát bởi bất kỳ một quy trình nào. Chính vì thế mà một lượng lớn tiền nóng đã được bơm vào các sàn P2P Lending, thúc đẩy hoạt động này phát triển một cách mạnh mẽ.

Dù nền tảng P2P Lending đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2007 tuy nhiên phải đến năm 2010 mới có quy định đầu tiên tiên tác động đến lĩnh vực P2P Lending. Quy định đầu tiên là các biện pháp quản lý tạm thời đối với với các công ty bảo lãnh tài chính. Những biện pháp này quy định các công ty P2P Lending phải được chấp thuận khi thành lập, không được tham gia vào hoạt động nhận tiền gửi và cho vay trực tiếp. Bộ máy quản lý hoạt động P2P Lending ở Trung Quốc bao gồm các cấp là Trung ương và địa phương.

Cấp Trung ương: Bao gồm cấu trúc quản lý tài chính hiện tại ở Trung Quốc là phân quyền quản lý dựa trên lĩnh vực. Sau thời gian gần 10 năm kể từ khi sàn P2P Lending đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc thì P2P Lending chính thức được xem là kinh doanh ngân hàng theo hình thức cho vay trực tuyến, chính vì thế thuộc quyền của Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC).

Cấp địa phương: Cấp địa phương thường là văn phòng, phòng tài chính do chính quyền địa phương thành lập. Cơ quan quản lý địa phương chịu trách nhiệm giám sát các nền tảng P2P Lending ở địa bàn của mình về các vấn đề như thành lập, thay đổi, giải thể./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024