Thực trạng sử dụng đất trái mục đích

Qua nghiên cứu các tài liệu và ghi nhận thực tiễn tại địa phương, phóng viên đã nhận thấy từ nhiều năm nay tại xã Lãng Công (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã diễn ra thực trạng hàng nghìn mét vuông đất bị san gạt, xây dựng các công trình trái phép không đúng với quy hoạch, sai so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị xử lý.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao 1.148m2 đất cho Công ty TNHH Đăng Công đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Thăng, thời hạn sử dụng đất được giao là 49 năm. (Ảnh: NQ)

Đơn cử như thực trạng sử dụng đất trái mục đích của Công ty TNHH Đăng Công, theo đó, tại quyết định 3939/QĐ-UBND do ông Phùng Quang Hùng, thời điểm đó làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ngày 25/12/2007 về việc thu hồi và giao 1.148m2 đất hồ Đồng Nong cho Công ty TNHH Đăng Công đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Thăng, thời hạn sử dụng đất được giao là 49 năm. Mục đích sử dụng đất làm bãi đỗ xe và nhà điều hành, dịch vụ sửa chữa, không được phép làm nhà kiên cố.

Tuy nhiên, đến thời điểm này là tháng 9/2022 các công trình trên đất hoàn toàn không đúng với giấy phép sử dụng đất được cấp làm bãi đỗ xe, nhà không kiên cố, mà thay vào đó lại sừng sững một “biệt thự” hàng chục tỷ đồng mọc lên từ bao giờ, làm nhân dân hết sức bất bình. Bởi hiện nay, người dân địa phương khi sử dụng đất trái mục đích như đổ đất, xây công trình nhỏ lẻ trên đất không phải đất ở là bị chính quyền xử phạt tiền và buộc phá dỡ sai phạm.

"Biệt thự khủng" của Chủ tịch UBND xã Lãng Công hiện hữu trên phần đất 49 năm được cấp GCNQSDĐ, cùng nhà xưởng xây dựng trái phép cho thuê gần 900m2 không có giấy chứng nhận QSĐ (Ảnh: NQ)
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi trực tiếp làm việc với các hộ dân xung quanh nhà ông Nguyễn Hồng Thăng, Giám đốc công ty TNHH Đăng Công thì được biết căn nhà này là nơi sinh sống của gia đình ông Thăng và bà Nguyễn Thị Đăng, đáng chú ý là bà Đăng hiện đang là Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lãng Công.
Nhà xưởng trái phép của gia đình Chủ tịch UBND xã Lãng Công hiện đã cho Công ty Cổ Phần Thiên Bằng thuê làm xưởng may. (Ảnh: NQ)

Bên cạnh đó, hiện tại gia đình ông Thăng bà Đăng đang sử dụng trái quy định thêm gần 900m2 (không có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp) đất vị trí giáp với nghĩa trang nhân dân xã Lãng Công để xây dựng nhà xưởng trái phép và hiện đã cho Công ty Cổ Phần Thiên Bằng thuê làm xưởng may.

Đối chiếu với các quy định pháp luật Luật đất đai năm 2013, việc lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, cho thê trái phép thu lợi bất chính trên phần diện tích đất không được cấp phép của ông Thăng và bà Đăng như trên là trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên đã trực tiếp ghi nhận tại hiện trường Thôn Phú Cường, xã Lãng Công (Sông Lô) và tổng hợp ý kiến phản ánh của người dân địa phương một cách khách quan, đa phần người dân kiến nghị cần xử lý việc sai phạm trên vì lợi ích địa phương, lợi ích quốc gia. Tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Theo những chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, quản lý nhà nước thì phần đất gần 900m2 không được cấp có thẩm quyền giao đất, nhưng xây dựng lán xưởng trái phép của ông Thăng và bà Đăng cần phải được thu hồi, bán đấu giá tài sản để xung vào công quỹ, ngân sách nhà nước, phục vụ phát triển các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm của địa phương.

Liệu giải pháp hợp thức hóa sai phạm đất đai có hợp lòng dân?

Công tác quản lý đất đai ở cấp xã thuộc quyền quản lý của UBND xã, sau khi nhận diện công tác quản lý đất đai ở xã Lãng Công có nhiều bất cập so với các quy định của Luật Đất đai, chúng tôi đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng về vấn đề trên, sau một thời gian chờ đợi, UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã có văn bản trả lời Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển. Theo công văn trả lời, UBND huyện đã kiểm tra, xác minh vị trí đất 890 m2 tăng lên so với quyết định giao đất và giấy chứng nhận QSDĐ, nguyên nhân tăng lên gần 900m2 UBND huyện Sông Lô cho rằng khi lập hồ sơ, trích lục từ bản đồ 299 có độ chính xác không cao, khi giao đất tại thực địa thì giao theo hồ sơ, không đo đạc lại hiện trạng khu đất trước khi giao. Đồng thời khi công ty Đăng Công xây dựng cũng không đề nghị cơ quan nhà nước xác định cắm lại mốc giới được giao mà tự ý xây dựng tường rào, các công trình, hạng mục dẫn đến hiện trạng sử dụng đát tăng gần 900m2.

Trụ sở Đảng ủy, UBND xã Lãng Công nơi bà Nguyễn Thị Đăng nữ Chủ tịch UBND xã làm việc (Ảnh:NQ)

UBND huyện Sông Lô đã yêu cầu UBND xã Lãng Công tổ chức kiểm điểm về việc lập trích đo giao đất cho công ty Đăng Công thuê, mô tả chưa chính xác và quản lý sử dụng đất đối với công ty Đăng Công dẫn tới việc xử dụng không đúng gần 900m2. Giao UBND xã Lãng Công lập lại hồ sơ đăng ký biến động đất đai, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Theo trả lời của UBND huyện Sông Lô thì việc phát sinh thêm gần 900m2 đất ở vị trí đắc địa của UBND xã Lãng Công là sự tắc trách của cán bộ giao đất, cán bộ địa chính, cùng với đó là công nghệ lạc hậu không đo được diện tích chính xác. Tuy nhiên thay vì xác minh lại diện tích đất được giao, thu hồi phần còn lại để quản lý theo quy định thì UBND huyện Sông Lô cho người vi phạm thời gian làm hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tức là gần 900m2 đất không nằm trong biên bản giao đất, không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó sẽ được “hô biến” vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, phải chăng việc đó sẽ hợp thức những sai phạm?

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc luôn có chủ trương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đất đai, bằng Kế hoạch số 54 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 32 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; để xảy ra sai phạm Chủ tịch UBND xã là người đứng đầu, chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, những sai phạm trên lại chính là nhà của nữ Chủ tịch UBND xã Lãng Công, dư luận Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến việc xử lý những sai phạm đúng theo quy định của Pháp luật, nếu cứ làm sai rồi được sửa sai theo kiểu “hợp thức” bằng cách đăng ký biến động vào diện tích đã cấp mà không bị xử lý sau vi phạm, không bị thu hồi đất, không bị buộc trả lại nguyên trạng diện tích đất lấn chiếm trái phép như những quy định của Luật đất đai quy định thì rất khó để nhân dân tin tưởng và đấu tranh với sai phạm.

Sự việc trên làm ảnh hưởng đến tư tưởng nhân dân, khiến nhân dân nghi ngờ có sự bao che, dung túng cho “người nhà”, chiếm dụng của công làm của riêng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh chính trị của địa phương, rất cần các cơ quan chức năng huyện Sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, rà soát lại, xử lý dứt điểm nếu có sai phạm tại công trình trên, tránh ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nghị định của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai nêu rõ: 3. Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;

c) Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;

d) Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;

đ) Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

e) Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;

g) Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;

h) Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;

i) Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;

k) Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

l) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;