NKG được khuyến nghị MUA trong năm 2024, kỳ vọng sinh lời gấp 3 lần lãi suất tiền gửi
Hoạt động xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tốt
Công ty Chứng khoán MB (MBS) công bố báo cáo mới nhất cho thấy, sản lượng và giá thép xuất khẩu phục hồi chính là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Công ty CP Thép Nam Kim trong giai đoạn 2024-2025.
MBS cho hay, xuất khẩu năm 2023 được xem là điểm sáng của ngành thép trong bối cảnh thị trường nội địa còn nhiều khó khăn do thị trường bất động sản ảm đạm. Sản lượng xuất khẩu toàn ngành năm ngoái tăng trưởng 28% so với năm trước đó. Thị trường EU đạt mức tăng hơn 90% vì nguồn cung từ Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm.
Năm 2024, công ty chứng khoán đánh giá nhu cầu tiêu thụ tại 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thép Việt Nam là ASEAN và EU phục hồi sẽ là động lực giúp sản lượng xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu tiêu thụ thép tại ASEAN năm 2024 sẽ tăng 5,1% lên 80 triệu tấn. Động lực chính tới từ những thị trường chiếm tỷ trọng tiêu thụ cao như Indonesia (25%) và Malaysia (18%) ngay khi hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh.
Sau khi giảm khoảng 6,3% trong năm 2023, Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) dự báo nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường EU sẽ tăng 5,6% trong năm 2024, đạt mức 137 triệu tấn. Chính sách tiền tệ được nới lỏng so với cùng kỳ dự kiến tác động tích cực đến các ngành chiếm tỷ trọng tiêu thụ thép cao như lĩnh vực xây dựng và sản xuất ô tô tại EU.
Tại thị trường Mỹ, dự báo sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 1,6% so với kỳ vọng FED dự kiến thực hiện 3 lần cắt giảm, lãi suất điều hành được đưa về mức 4,25-4,5%. Lãi suất thấp là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản trong bối cảnh lãi suất cho vay thế chấp hạ nhiệt.
Với tốc độ phục hồi của ngành bất động sản (35% nhu cầu thép) và ngành sản xuất (20% nhu cầu thép) hiện nay, được cho là sẽ tác động tích cực tới sản lượng tiêu thụ tại Mỹ trong năm nay.
MBS đánh giá, Công ty CP Thép Nam Kim sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng phục hồi nhu cầu sử dụng thép toàn cầu nhờ vị thế đầu ngành. Bên cạnh đó, 2 thị trường chủ lực của doanh nghiệp này là EU và Mỹ (đang chiếm 65% sản lượng xuất khẩu) cũng được dự báo phục hồi tích cực.
Công ty chứng khoán dự phóng sản lượng xuất khẩu của Nam Kim sẽ tăng 6% trong năm 2024, đạt hơn 550.000 tấn.
Với triển vọng từ nhu cầu phục hồi, nhất là từ thị trường EU và Mỹ, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions đưa ra dự báo giá thép cuộn cán nóng (HRC) trung bình năm 2024 sẽ đạt 740 USD/tấn, tăng 4% so với năm ngoái.
Trong đó, giá thép HRC tại hai thị trường chủ lực này được dự báo đạt lần lượt là 810 USD/tấn và 950 USD/tấn, tăng 5% và 4% so với năm 2023. Từ đó, giá tôn mạ vàng cũng sẽ tăng lần lượt 4% và 5%, đạt 950 USD/tấn và 1.180 USD/tấn.
Sự chênh lệch về giá HRC tại EU và Mỹ với khu vực Châu Á hiện tại đang ở mức 200-250 USD/tấn. Mức chênh lệch này khá hấp dẫn, thu hút các nhà nhập khẩu tăng cường tìm kiếm nguồn cung tại các thị trường Châu Á.
Với các thông tin trên, MBS dự báo giá thép xuất khẩu của Nam Kim sẽ tăng 4%, đạt 920 USD/tấn trong năm nay, kỳ vọng giá thép phục hồi mạnh mẽ kể từ quý III/2024 khi nhu cầu sản xuất của các thị trường trở lại và áp lực từ thép giá rẻ Trung Quốc đang dần hạ nhiệt.
Bất động sản ấm lên, ngành thép hưởng lợi
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tại Việt Nam, nhu cầu thép được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn khi sản lượng tiêu thụ toàn ngành có thể tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 21,6 triệu tấn.
Khi thị trường bất động sản ấm lên, cùng động thái đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ sẽ mang tới triển vọng phục hồi mạnh mẽ cho ngành thép.
Kể từ đầu năm nay, nguồn cung bất động sản được cải thiện đáng kể nhờ Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, củng cố kỳ vọng tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình xác định tiền sử dụng đất, đền bù và giải phóng mặt bằng.
Tại Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung căn hộ tăng trưởng lần lượt 30% và 20% so với cùng kỳ, nhờ việc một loạt thủ tục pháp lý được giải quyết và áp lực chi phí lãi vay của các chủ đầu tư cùng đã hạ nhiệt khi lãi suất đang ở mức thấp.
Theo dự báo của MBS, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa của Nam Kim có thể đạt 386.189 tấn, tăng 15% từ mức nền thấp năm 2023, giá tôn mạ dự kiến tăng 4% lên 23 triệu đồng/tấn.
Biên lợi nhuận gộp của ngành tôn mạ đang khá thấp, khoảng 8%, nên các biến động của giá xuất khẩu sẽ dễ dàng tác động mạnh tới biên lợi nhuận gộp của Nam Kim.
Nhìn vào dữ liệu lịch sử trong các chu kỳ ngành thép, công ty chứng khoán dự báo biên lợi nhuận năm 2024 của Nam Kim sẽ đạt mức 7,5%, mức giá xuất khẩu cao của quý IV/2023 có thể được phản ánh trong kết quả của quý I/2024 vì công ty này thường ký kết hợp đồng khoảng 2-3 tháng trước khi xuất khẩu.
Với những động thái tích cực từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Nam Kim là ASEAN, EU và Mỹ, MBS khuyến nghị mua cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 30.000 đồng/cp, kỳ vọng tăng giá 16%.
Trong phiên giao dịch ngày 3/4, cổ phiếu NKG được giao dịch ở mức 25.900 đồng/cp, tăng 7% so với hồi đầu năm./.
- Cột mốc mới trên hành trình sản xuất thép HRC của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
- Thép Việt chịu "sức ép" khi nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần