Phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất
Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi dành cho hai thể loại: Văn xuôi và Thơ, kéo dài trong 5 năm (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025) và chia làm hai đợt (đợt một: từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2023; đợt hai: từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2025), hướng tới mục đích thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.
Giải thưởng Tác giả trẻ nằm trong hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trao tặng những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau trao giải) gồm bốn thể loại Thơ, Văn xuôi, Lý luận – Phê bình và Văn học dịch của các tác giả tuổi từ 35 trở xuống (tính tại thời điểm xuất bản sách), trị giá mỗi giải thưởng là 30 triệu đồng. Các tác giả đoạt giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021: Thể loại Thơ có tác giả Lý Hữu Lương (tập thơ Yao), Phương Đặng (tập thơ Con người); Văn xuôi: Đinh Phương (tiểu thuyết Nắng thổ tang); Lý luận phê bình: Vũ Thị Trang (tác phẩm Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật); Văn học dịch: Nguyễn Bình (Bản dịch tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều).
Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ vui mừng sự hiện diện của Chủ tịch nước tại Hội Nhà văn Việt Nam là điều đặc biệt, cho thấy sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước với văn nghệ sĩ, với các nhà văn. Đó là sự đầu tư lớn nhất của Đảng, Nhà nước là sự đầu tư về tinh thần, đầu tư niềm tin đối với những người cầm bút. Con đường của văn chương Việt Nam vì con người, vì lẽ phải, vì những điều tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Điều này đánh thức trong lòng mỗi nhà văn ý thức mạnh mẽ hơn về trách nhiệm cao cả hơn để viết ra những tác phẩm xứng đáng cho tổ quốc, nhân dân. Đặc biệt là các nhà văn viết cho thiếu nhi.
“Tất cả những người có lương tâm và vì con người đều có thể trở thành nhà tiên tri của dân tộc mình, bởi qua tâm hồn những đứa trẻ hôm nay, họ có thể nhìn thấy số phận của dân tộc họ ngày mai. Họ hiểu rằng: chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai của dân tộc mình bằng cách chuẩn bị cho hiện tại với một trách nhiệm cao cả nhất và nhân văn nhất. Khi chúng ta đặt văn hóa lên tầm cao nhất của đời sống, nghĩa là chúng ta đã thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu.
Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết đó chính là một trong những lý do Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các nhà văn hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em và kêu gọi xã hội cùng Hội Nhà văn mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của nền văn học Việt Nam cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa. Và cũng chính là lý do Hội Nhà văn Việt Nam lập ra giải thưởng Tác giả trẻ để khích lệ các nhà văn trẻ, để họ tiếp tục sự nghiệp của các nhà văn các thế hệ đi trước và mở ra những giá trị nhân văn mới.
“Chúng tôi tin tưởng những nhà văn trẻ và đợi chờ họ bằng những trang viết của mình làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc ngách của đời sống này. Tất cả những gì mà các nhà văn làm hôm nay cho trẻ em và cho thế hệ trẻ dù chỉ là một điều nhỏ bé cũng góp phần vào sự chuẩn bị trọng đại của cả đất nước cho một tương lai tốt đẹp”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị thế và vai trò của nhà văn và các tác phẩm còn ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những tác phẩm văn học có giá trị, có sức lan tỏa và trường tồn với thời gian. Chủ tịch nước đánh giá cao Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất; hoan nghênh và ủng hộ chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm tạo ra những tác phẩm văn chương xuất sắc cho trẻ em cũng như mang những tác phẩm văn chương ấy đến với trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa.
Chủ tịch nước khẳng định văn học đích thực là nguồn suối trong lành, tươi mát trong tâm hồn, rũ bỏ bụi bẩn và mệt nhọc của cuộc sống. Sáng tác văn học thiếu nhi là một chủ đề thú vị và ý nghĩa, cần được khuyến khích và lan tỏa mạnh mẽ bởi con người cần được gieo những hạt giống tâm hồn, không ngừng ước mơ nuôi dưỡng những khát khao, tôi rèn ý chí hoài bão ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành và văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn, hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng. Những gì chứa đựng trong tâm hồn trẻ em hôm nay, chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai.
Nhấn mạnh những tác phẩm văn học nghệ thuật làm cho con người sống một đời sống có nhân phẩm, nhân văn và tâm hồn phong phú và nếu không gieo những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ em hôm nay thì trong tương lai khó mà có được những mùa người nhân ái và các nhà văn là những người bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác đi gieo những hạt giống nhân văn ấy trên cánh đồng nhân cách của đời sống hàng ngày, Chủ tịch nước kêu gọi các nhà văn Việt Nam, toàn xã hội hãy vì tương lai của dân tộc dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em; các nhà văn trẻ hãy tiếp bước các thế hệ đi trước, viết bằng nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bằng tâm thế của thời đại mình, bằng lương tri, bản lĩnh của con người Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam trên cơ sở chiến lược phát triển đất nước, các cơ quan có chức năng cần tạo ra một không gian sáng tạo để nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng; quan tâm và sớm khôi phục lại các trại sáng tác với những cách làm phong phú, tạo ra không gian tốt, hệ sinh thái tốt cho sự ra đời của các tác phẩm mới; đề nghị các cơ quan và nhà trường tạo không gian cho các em sáng tạo, nhất là các cuộc thi sáng tác trong trường học để các em được cất lên tiếng nói, thể hiện ước mơ, hoài bão của mình.
PHƯƠNG THÚY