Phát động tiêu dùng xanh, bền vững và Chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường
Tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu Trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm, mà còn đòi hỏi về sự hiểu biết sâu sắc mang tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Người dân và nhà đầu tư chuyển dần thói quen mua sắm thông thường bằng các kênh tiêu dùng “Xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Với mong muốn kết nối giao thương giữa các cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn, TP. Hà Nội luôn quan tâm và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội năm 2020 cho nhóm ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại huyện Chương Mỹ; cho ngành chế biến nông tại huyện Quốc Oai; cho ngành gốm sứ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống TP. Hà Nội năm 2021 tại huyện Thường Tín; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành Đồ gỗ mỹ nghệ - Nội thất năm 2022 tại quận Nam Từ Liêm; làng nghề truyền thống TP. Hà Nội năm 2022 tại huyện Thanh Trì; Mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường năm 2023 tại quận Hoàng Mai; Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành điện tử, đồ gia dụng năm 2023 tại quận Long Biên; ngành dệt may - thời trang năm 2023 tại quận Hà Đông...
Những chương trình, hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Với quy mô 30 gian hàng được trưng bày từ ngày 6-8/9 tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (số 222 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chương trình đã phần nào giúp nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiến tới hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Các hoạt động chính của Chương trình gồm: Lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững; Trưng bày giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố; Tổ chức hội thảo liên kết hợp tác bền vững giữa các trung tâm thương mại, siêu thị với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường; Kết nối kinh doanh; Liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.
Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của TP. Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế Xanh của Thủ đô./.