ISSN-2815-5823

Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Từ nhận thức tới hành động

(KDPT) - Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong đó làm sao thúc đẩy tiêu dùng xanh là vấn đề cấp thiết.
Chuyển dịch xanh - Trách nhiệm của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng Thúc đẩy tiêu dùng xanh từ kinh tế tuần hoàn

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn một khoảng cách rất xa từ việc người tiêu dùng có nhận thức, quan tâm đến bảo vệ môi trường cho đến hành động, bởi còn nhiều thách thức, rào cản. Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch đều có mức tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm.

Chuỗi cửa hàng Annam Gourmet thay hoàn toàn túi nylon bằng túi giấy từ cách đây 5 năm, thu gom vỏ chai nhựa, chai thủy tinh qua hệ thống xử lý trực tiếp đặt ngay tại siêu thị.

"Chúng tôi có những chiến lược rất rõ ràng, kế hoạch rất cụ thể trong việc triển khai chương trình tiêu dùng xanh đối với khách hàng. Chúng tôi cần sự chủ động của khách hàng hơn trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng hàng ngày", bà Hồng Phương, Quản lý chuỗi cửa hàng Annam Gourmet, cho biết.

Qua chương trình thu gom rác thải nhựa tại các chung cư, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm khoảng 2.000 tấn nhựa mới tại Việt Nam mỗi năm.

Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp hiện vẫn là sự nhận thức và hiểu biết của mỗi người dân, bởi khi người tiêu dùng hiểu được và chung tay, các chương trình hành động của doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả, có ý nghĩa.

"Sử dụng các sản phẩm tái chế trên cơ sở tự nguyện vì quy định của Việt Nam chưa bắt buộc. Tất nhiên cần có lộ trình nhưng về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có quy định về một mức tỷ lệ nhất định sản phẩm tái chế trong các bao bì sản phẩm", bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc Vận hành, Công ty Cổ phần Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, đề xuất.

"Chúng ta còn đang thiếu khung chính sách về các tiêu chuẩn, tiêu chí, chế tài để thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây được xem là trọng tâm Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đẩy mạnh trong thời gian tới", ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhận định.

Quá trình thực hành ESG là nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ, của các tổ chức quốc tế và cũng là xu hướng tất yếu của cả thế giới, bên cạnh đó còn là nỗ lực của chính mỗi chúng ta, những người tiêu dùng có trách nhiệm cần có hành động hướng đến tiêu dùng xanh.

"Nếu mình nghĩ đến việc phát triển và tiêu dùng bền vững thì những sản phẩm tái chế có thể sẽ dùng được lâu dài và mình có thể tái đi tái lại sử dụng được", chị Phạm Hoài Thương, TP. Hà Nội, chia sẻ.

"Hiện tại ở nhà em cũng tái chế khá là nhiều. Em và bà giữ lại rất nhiều vận dụng nhỏ như là hộp giấy, hộp nhựa và những hộp đựng đồ nữa", em Nguyễn Như Ngọc, TP. Hà Nội, cho biết.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Ngay từ những hành động nhỏ như giữ lại vỏ hộp sữa sau mỗi lần sử dụng để tái chế, tạo thêm vòng đời mới cho sản phẩm, nhiều người tiêu dùng như chị Thương và Ngọc cũng sẽ đóng góp vào mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn./.

QUỲNH NHƯ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024