Phát triển kinh tế tư nhân vì một tương lai tươi sáng của Việt Nam
Bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một thông điệp mà thực sự đã trở thành một hồi kèn xung trận để kinh tế tư nhân ở Việt Nam vượt qua mọi rào cản để phát triển mạnh mẽ mang về sự hưng thịnh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới.

Một trụ cột quan trọng hàng đầu của kinh tế đất nước
Bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc phát triển đất nước, đó là: Thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Tuy nhiên, dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn". Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; chưa tận dụng tốt các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, vẫn chậm chuyển đổi số, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ít chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm mới. Vì vậy, rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Chỉ ra những điểm nghẽn của kinh tế tư nhân.
Cũng trong bài viết này Tổng Bí thư đã chỉ ra những điểm nghẽn nhằm cản trở sự phát triển kinh tế. Ngoài những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả và công bằng giữa các khu vực kinh tế và không dễ tiếp cận đối với kinh tế tư nhân. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước thường thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, vốn, tín dụng; trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường được hỗ trợ tốt hơn về thuế, thủ tục hải quan, và cả tiếp cận đất đai. Ngoài ra, hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại, tạo ra một gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư.
Rõ ràng, những hạn chế phát triển của doanh nghiệp tư nhân xuất phát một phần từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh. Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ sứ mệnh mà kinh tế tư nhân ở Việt Nam phải thực hiện căn cốt vì một Việt Nam thịnh vượng đó là: Hướng đến tầm nhìn chung của đất nước, kinh tế tư nhân cũng cần xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn của mình. Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Để khu vực kinh tế tư nhân có thể thực hiện được sứ mệnh và hiện thực hóa được tầm nhìn đầy khát vọng đó, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế. Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước. Nền kinh tế quốc gia chỉ thực sự cường thịnh khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà nhà, ai cũng hăng say lao động.
Trước yêu cầu đó, chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách. Đồng thời, nhất quán quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm", xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, cần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.
Ngay sau khi bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải rất nhiều các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân đã có những ý kiến sâu sắc đầy tâm huyết. Như TS. Nguyễn Phương Thảo - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HĐBank, Chủ tịch HĐQT Vietjet chia sẻ: Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, kinh tế tư nhân hiện nay đóng góp hơn 50% GDP, 30% nguồn thu ngân sách và thu hút tới 85% lực lượng lao động. Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng to lớn của khu vực này, trong đó có sự góp sức không nhỏ của hàng triệu phụ nữ - những người vừa là lao động, vừa là doanh nhân, vừa là người "giữ lửa" gia đình. Là một doanh nhân hoạt động trong khu vực kinh tế tư nhân, qua báo chí, truyền thông, tôi rất vui mừng đón nhận thông điệp từ đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khi ông khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng và phát triển đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm có niềm tin về động lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp dân tộc, những doanh nhân Việt như chúng tôi phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Một điều rất phấn khởi nữa là, ngày 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, trực tiếp chỉ đạo bởi Thủ tướng. Điều này thể hiện tinh thần hành động quyết liệt, khẩn trương và cũng gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng: Doanh nghiệp tư nhân sẽ có môi trường pháp lý và chính sách phát triển thuận lợi, minh bạch và đồng bộ hơn.
Theo AHLĐ. Nguyễn Quang Mâu, bài viết về kinh tế tư nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm là một luồng sinh khí mới để khối doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam như bản thân chúng tôi hoàn toàn yên tâm, tự tin để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để phát triển doanh nghiệp của mình ngày càng lớn mạnh và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng tươi sáng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kinh tế tư nhân là khu vực cần được hỗ trợ lớn nhất, mạnh nhất bởi họ là nhân tố tạo ra tăng trưởng bền vững, giải quyết được lao động và hướng đến phát triển. “Chúng ta cần khuyến khích người giàu nhiều hơn, bởi có nhiều người là dân giàu, thì đất nước mới mạnh. Ở nước khác, người ta coi trọng người giàu, họ không quá quan tâm anh mua xe gì, ở nhà biệt thự nào, cả xã hội tưởng thưởng xứng đáng cho người giàu. Xã hội Việt Nam hiện nay không thể theo trật tự ngày xưa: Sĩ, nông, công, thương. Vai trò của thương bây giờ phải lớn hơn, vai trò của công cũng khác”. 50 năm qua, khi đất nước giải phóng, chúng ta từ nước nghèo, lạc hậu, chậm phát triển đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, lọt top 6, top 4 ASEAN về GDP, xuất khẩu đạt gần 700 tỷ USD và mục tiêu có thể đến 1.000 tỷ USD… Tuy nhiên, phải nói rằng chúng ta vẫn rất khiêm tốn do với tiềm năng. Kim ngạch xuất nhập khẩu, chúng ta vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, khu vực trong nước vẫn nhập siêu. Chúng ta là nền kinh tế lớn song số lượng tỷ phú USD thua thiệt hơn nhiều nước Singapore, Thái Lan, Indonesia". (Theo danviet).
Theo TS. Vũ Đình Ánh trong bài Phát triển kinh tế tư nhân Niềm tin và hy vọng: "Không lạc quan một chiều mà thoát ly thực tế, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những hạn chế căn cốt, cố hữu của kinh tế tư nhân như “vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh... Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài... rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Đặc biệt, Tổng Bí thư chia sẻ việc “các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính”. Chính những rào cản ấy vừa trực tiếp kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân vừa gián tiếp làm xói mòn nhiệt huyết và động lực vươn lên của doanh nghiệp".
Nhận định về bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" của Tổng Bí thư Tô Lâm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện IDE cho rằng: Đây không chỉ là một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, mà còn là một lời hiệu triệu nhằm phát huy tối đa sức mạnh của kinh tế tư nhân, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Tổng Bí thư khẳng định rằng kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, khu vực này đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, cho thấy vai trò không thể thay thế. Đặc biệt, bài viết đề ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, khi kinh tế tư nhân dự kiến đóng góp 70% GDP, với nhiều doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế. Những định hướng mà Tổng Bí thư đề ra không chỉ giúp kinh tế tư nhân bứt phá mà còn phản ánh tư duy chiến lược của một nhà nước kiến tạo phát triển theo mô hình Đông Bắc Á. Việc xây dựng các tập đoàn tư nhân lớn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải cách hành chính là những yếu tố quyết định để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Nếu được thực thi quyết liệt, những chính sách này sẽ trở thành động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, mở ra một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng và vươn mình ra thế giới. Tất cả vì một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để sinh trưởng khỏe mạnh
Trong phần kết của bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định mạnh mẽ: Kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đều tin tưởng rằng, nếu Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để sinh trưởng khỏe mạnh, bứt phá mạnh mẽ, không chỉ giúp kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà còn sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới. Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
Chúng ta đang sống trong thời khắc lịch sử, chứng kiến sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ và môi trường quốc tế đầy biến động, vừa hợp tác vừa đấu tranh, nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, với ý chí quyết tâm và khát vọng cháy bỏng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội!
Một nền kinh tế vững mạnh đang hình thành, một thế hệ doanh nhân Việt Nam bản lĩnh và đổi mới, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết kinh doanh và lòng yêu nước, đang viết tiếp câu chuyện thành công, và một tương lai rực rỡ, một nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dần trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự là một thông điệp tốt lành, một luồng sinh khí mới tạo đà cho kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ lập lên những kỳ tích mới cho đất nước, mang về những vòng nguyệt quế cho Việt Nam, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên hưng thịnh và phát triển của đất nước ta./.
- [Ảnh] Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI