ISSN-2815-5823

Phía cổng làng, Xuân nao nao, Xuân chộn rộn

Cover image
(KDPT) – Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre (Cổng làng – Bàng Bá Lân).

Ai đã từng trải qua dâu bể cuộc đời, để sau một hành trình dài trở về quê, mới thấm thía chiếc cổng làng tạo nên những giá trị hữu hình, vô giá đến nhường nào. Khi Tết đến, Xuân về, ai lại không nao nao nghĩ về cánh cổng làng ở nơi ta gọi là quê hương đó.

Cổng làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Cổng làng không chỉ đơn thuần là hình khối kiến trúc, với những ý niệm thẩm mỹ mà hơn thế, nó ẩn chứa trong đó là “người bảo vệ”, “bộ mặt” của ngôi làng. Do đó, những nét đặc trưng của văn hóa làng, gồm phong tục tập quán của cộng đồng cư dân được truyền nối bao đời được thể hiện qua cổng làng. Đây còn là thước đo đơn vị hành chính về vị trí địa lý của ngôi làng. Những nét sinh hoạt làng xã, về tính cách biệt của người dân trong làng cũng được thể hiện qua đây. Những vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, ngoài các bức đại tự, người xưa còn cho đắp hai câu đối ở hai bên cổng. Sau cổng làng là cộng đồng làng, xã, gia đình. Là những nét chung về phong tục tập quán và cả những nét văn hoá riêng biệt không làng nào giống làng nào. Đó là bản sắc, là cái độc đáo. Bởi thế, dân gian có câu: “Lệnh làng nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ”.

Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn đều đặn đi qua cánh cổng làng, chuyên chở tâm hồn con người tỏa đi bốn phương, nhưng cũng níu con người ta lại bằng các giá trị chân – thiện – mỹ ở đời…

Giáo sư, nhà sử học Trần Quốc Vượng từng cho rằng “nhà có nóc, làng có cổng… người sống sau cái cổng làng, người chết chôn bên ngoài cái cổng làng”. Bởi thế cổng làng bao giờ cũng có dấu ấn nổi bật như một lời chào thành thật của từng người với sự đổi thay của vạn vật, là tình cảm hồ hởi của dân làng với du khách.

Cổng làng là nơi mà người đi xa mỗi khi trở về, thấy lòng se lại, cảm giác hồi hộp, ngây người đứng ngắm. Chỉ bước chân qua cánh cổng này thôi, bên trong đó vào một ngôi làng văn hóa lâu đời.

Cổng Chùa, một cổng phụ của làng Hồ Khẩu trên phố Thụy Khuê, Hà Nội.

Vừa là di sản văn hóa vật thể, cổng làng đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc lan tỏa cùng những giá trị tốt đẹp của làng quê. Những bức đại tự, câu đối… khắc trên cổng làng mang theo thông điệp về một xã hội thu nhỏ với những đặc trưng và giá trị riêng có bấy nay được coi là hồn cốt làm nên truyền thống cũng là niềm kiêu hãnh của cư dân trong làng… Dẫu chỉ là bụi tre xào xạc, là cánh cổng gỗ mà nhiều làng còn chẳng có cánh cổng. Chỉ là cái cổng thông thiên thế, như một ranh giới hữu hình giữa trong và ngoài làng. Thế thôi, chỉ một bước chân là anh đã ra ngoài nơi quần cư gắn bó bao lâu của mình. Rồi trở thành ông nọ, bà kia, hoặc không là ai. Nhưng dẫu gì, trong cõi sâu thẳm của con người, yếu tố ‘làng” vẫn ngự trị. Mà trước tiên là cổng làng. Nó đại diện cho cư dân nơi đó, cái đẹp, cái chưa đẹp, ký ức và tương lai, tất cả ẩn vào cổng làng. Đây là chỗ hẹn hò, đây cũng là chỗ tiễn đưa, đợi chờ, mong ngóng. Có buồn, có vui, khắc khoải và hồi hộp. Cổng làng chứa đựng hồn người quê là thế. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn đều đặn đi qua cánh cổng làng, chuyên chở tâm hồn con người tỏa đi bốn phương, nhưng cũng níu con người ta lại bằng các giá trị chân – thiện – mỹ ở đời…

Cổng làng Đông Xã, số 444 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.

Xuân mới, người người từ khắp bốn phương lại có dịp bước dưới cổng làng để cảm nhận rõ hơn một không gian văn hóa đặc sắc cũng như lắng nghe những thông điệp mà di sản muốn truyền tải để biết thương yêu, trân trọng và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa ấy trong lúc nền kinh tế thị trường ít nhiều bào mòn đi lớp rêu phong, cổ kính của cổng làng.

QUANG ĐỨC

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/05/2024