ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ tư, 06h17 24/04/2024

Chuyên gia chứng khoán tiết lộ thời điểm đầu tư lớn nhất năm 2024

Cover image
(KDPT) - Bỏ qua những biến động ngắn hạn, chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn “sáng cửa” trong trung và dài hạn.

Sau tuần giao dịch “lao dốc” hơn 100 điểm, nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần đã phần nào giải tỏa bớt căng thẳng của nhà đầu tư. Theo đó, cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng vươn lên dẫn sóng giúp chỉ số VN-Index khép lại phiên ngày 22/4 với mức tăng 15,37 điểm (1,31%) lên mốc 1.190 điểm.

Tuy vậy, diễn biến ngược chiều với đà tăng của điểm số, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE lại “hụt hơi” khi chỉ đạt xấp xỉ 14.000 tỷ đồng, tương đương giảm 38% so với phiên trước đó, đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn khá dè dặt và dòng tiền chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc sau nhịp điều chỉnh.

Diễn biến của chỉ số VN-Index
Diễn biến của chỉ số VN-Index

Đà tăng bất ngờ cùng lượng thanh khoản sụt giảm đáng kể đã khiến phiên tăng điểm vừa qua chưa thực sự thuyết phục. Câu hỏi đặt ra là điều gì khiến VN-Index xoay chiều trong phiên đầu tuần? Có lo ngại bull trap - bẫy tăng giá sau phiên giao dịch vừa qua hay không?

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết cho biết, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 2 tuần điều chỉnh liên tiếp với mức giảm xấp xỉ 9-10%. Khi chạm đến vùng hỗ trợ mạnh MA200, việc thị trường đảo chiều phục hồi là điều dễ hiểu. Ngoài ra, xu hướng bán của nhà đầu tư nước ngoài cũng dần chững lại sau thời gian “xả” kịch liệt cũng đã giúp giảm áp lực lên thị trường và cả nhà đầu tư. Trong khi đó, tự doanh cũng liên tục mua ròng trở lại và trở thành lực đỡ cho VN-Index trong những phiên giảm mạnh.

Về 2 nhóm cổ phiếu “dẫn sóng” trong phiên vừa qua là chứng khoán và ngân hàng đều đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực. Cụ thể, với nhóm chứng khoán, sau nhịp giảm sâu, thông tin về hệ thống KRX chính thức go-live vào ngày 2/5 cùng bức tranh kinh doanh tích cực trong quý I đã giúp cổ phiếu này phục hồi mạnh. Tương tự, nhóm ngân hàng cũng được hưởng lợi nhờ thông tin Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2024.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đến từ Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng thị trường vẫn chưa đủ yếu tố để xác lập đáy ngắn hạn khi chưa có sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền lớn, thanh khoản “èo uột” cho thấy lực cầu vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Bên cạnh đó, diễn biến hồi phục trong phiên vừa qua cũng chưa có sự lan tỏa đến nhiều nhóm ngành mà chỉ tập trung ở một vài nhóm hưởng lợi nhờ yếu  tố thông tin ngắn hạn.

Theo đó, quan điểm thận trọng trong ngắn hạn được ông Đỗ Bảo Ngọc nhận diện đến từ nhiều yếu tố bất định như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa sớm hạ lãi suất, xung đột chính trị, tỷ giá trong nước neo ở mức cao, lãi suất liên ngân hàng rục rịch tăng cùng một số vấn đề chính trị khác. Ngoài ra, lo ngại thị trường có đợt giải chấp trên diện rộng để giải tỏa năng lượng margin lớn đang “kẹt” ở phía trên cũng khiến các nhà đầu tư có thêm lý do để thận trọng hơn.

Vị chuyên gia dự báo, phiên tăng điểm đầu tuần có thể là nhịp “bull trap” và thị trường cần thêm thời gian để cân bằng, không loại trừ khả năng áp lực bán phiên sau có thể khiến VN-Index kiểm tra lại vùng đáy cũ 1.170 điểm +/-5 điểm. Kết hợp với các yếu tố rủi ro đang có, ông Ngọc cho rằng dòng tiền lớn vẫn chưa thể trở lại và thị trường sẽ tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp trong tuần này.

Với nhận định thị trường vẫn đang trong quá trình tìm vùng cân bằng mới, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì vị thế quan sát thay vì hành động sớm. Trong đó, những phiên thị trường phục hồi là cơ hội để đưa trạng thái tài khoản về mức cân bằng. Đặc biệt, thị trường đang đứng trước kỳ nghỉ lễ dài và trong thời gian này có thể xảy ra những rủi ro bất định.

Không tính đến những biến động ngắn hạn, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng thị trường vẫn “sáng cửa” trong trung và dài hạn. Bởi 2024 vẫn là năm bản lề cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như lợi nhuận doanh nghiệp nói riêng. Mặc dù nhịp điều chỉnh có thể khiến chỉ số chính giảm xuống dưới vùng 1.165 điểm, nhưng khả năng “thủng” ngưỡng 1.100 điểm là khó có thể xảy ra. Bởi kênh tăng giá hình thành kể từ tháng 11/2022 cho đến nay được hỗ trợ mạnh bởi ngưỡng điểm này.

Theo vị chuyên gia, nếu thị trường có nhịp điều chỉnh quá đà do tâm lý và “call margin” khiến VN-Index nhúng về ngưỡng 1.100-1.150 điểm thì đây là cơ hội đầu tư lớn nhất năm 2024 để nhà đầu tư có thể mạnh tay giải ngân.

Nếu thị trường có nhịp điều chỉnh quá đà do tâm lý và “call margin” khiến VN-Index nhúng về ngưỡng 1.100-1.150 điểm thì đây là cơ hội đầu tư lớn nhất năm 2024. (Ảnh minh họa)
Nếu thị trường có nhịp điều chỉnh quá đà do tâm lý và “call margin” khiến VN-Index nhúng về ngưỡng 1.100-1.150 điểm thì đây là cơ hội đầu tư lớn nhất năm 2024. (Ảnh minh họa)

Thị trường dấy lên lo ngại tình trạng “call margin” trên diện rộng

Mặc dù nhịp điều chỉnh của thị trường là cần thiết trong quá trình đi lên, nhất là khi VN-Index tăng gần 15% từ đầu năm mà chưa có đợt chiết khấu nào đáng kể, song nhiều chuyên gia đều chung nhận định áp lực margin hiện tại là rất lớn.

Thống kê được FiinGroup công bố cho biết, tính đến cuối quý I/2024, dư nợ margin tại nhóm 48 công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường ghi nhận quý tăng thứ 5 liên tiếp kể từ cuối năm 2022, đạt hơn 191.266 tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, vượt qua cả quý I/2022 khi VN-Index trên đỉnh lịch sử 1.500 điểm.

Đa phần các công ty chứng khoán đều chứng kiến dư nợ cho vay margin tăng trưởng nhanh trong quý I/2024, dao động trên dưới 50% so với năm trước. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ghi nhận dư nợ đạt kỷ lục sau đợt công bố báo cáo tài chính quý I.

Theo ghi nhận, dư nợ margin của các công ty chứng khoán đã liên tục tăng trong giai đoạn quý IV/2022 đến quý I/2024 và trùng với giai đoạn phục hồi của thị trường. Trong đó, từ ngày 15/11/2022 tới ngày 29/3/2024, VN-Index đã tăng 40,8%, từ mốc 911,9 điểm lên 1.284,09 điểm và thị trường chỉ trải qua nhịp rung lắc trong giai đoạn tháng 8 đến cuối tháng 10/2023, sau đó lại tiếp tục xu hướng tăng.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, điều đáng ngại của thị trường trong ngắn hạn là áp lực margin. Có khả năng thị trường sẽ phải “trả giá” cho việc margin đang trên đỉnh lịch sử và tình trạng “call margin” có thể sẽ diễn ra.

Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco, với tình trạng “căng margin” hiện nay, nhịp điều chỉnh của thị trường có thể trở nên khốc liệt hơn với hiệu ứng “call margin” từ các công ty chứng khoán. Theo vị chuyên gia, nếu thị trường vẫn tiếp tục giảm, tình trạng “call margin” ở các công ty chứng khoán sẽ diễn ra trên diện rộng và xuất hiện nhịp giảm rũ bỏ để hạ bớt dư nợ margin thời điểm hiện tại.

Dưới góc nhìn tích cực hơn, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam đánh giá sức ép margin lớn nhưng không đáng lo ngại, bởi sau 2 năm, các công ty chứng khoán đã tăng vốn lên rất nhiều. Chưa kể các công ty chứng khoán còn có nguồn từ ngân hàng mẹ, room cho vay còn lớn.

Mới đây, trong báo cáo của SSI Research nhận xét tỷ lệ dư nợ Margin/Vốn hóa thị trường đang ở mức cao nhưng khả năng lặp lại kịch bản giải chấp mức độ rộng như hồi cuối năm 2022 là khó có thể xảy ra nếu nhìn vào tỷ lệ Margin/Vốn chủ sở hữu của thị trường được kiểm soát tốt.

Thị trường đang dấy lên lo ngại tình trạng “call margin” sẽ diễn ra trên diện rộng. (Ảnh minh họa)
Thị trường đang dấy lên lo ngại tình trạng “call margin” sẽ diễn ra trên diện rộng. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã tăng mạnh trong quý đầu năm nhờ lợi nhuận tăng mạnh cùng với hoạt động tăng vốn. Tính đến ngày 31/3/2024, tổng vốn chủ sở hữu của nhóm công ty chứng khoán vào khoảng 235.000 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Như vậy, tỷ lệ Margin/Vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm 2023 ước đạt gần 83%, đây là mức cao nhất trong vòng 6 quý.

Theo quy định, công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt hơn 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ Margin/Vốn chủ sở hữu hiện tại, ước tính các công ty chứng khoán còn đến 277.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới. Tuy vậy, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết, còn thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/Vốn chủ sở hữu toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần kể cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất.

Xét từng công ty chứng khoán, đa phẩn đều còn thừa khá nhiều “room” cho vay, tỷ lệ Margin/Vốn chủ sở hữu chủ yếu trong khoảng 100-140%. Đặc biệt những doanh nghiệp top đầu về vốn chủ sở hữu như TCBS, SSI, VNDirect, VPBankS, tỷ lệ này đều dưới 80%. Trong khi đó, chỉ một vài công ty chứng khoán ở trạng thái khá “căng margin” như HSC, MBS cũng đang có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Nhìn chung, nếu chỉ phục vụ hoạt động cho vay margin, các công ty chứng khoán vẫn chưa quá áp lực về vốn ở thời điểm này. Tuy nhiên, để phục vụ cho quá trình nâng hạng thị trường, trong tương lai, nhà đầu tư ngoại có thể không cần ký quỹ 100% trước giao dịch. Điều này đòi hỏi các công ty chứng khoán phải có nguồn lực về vốn lớn, đủ đảm bảo vai trò hỗ trợ thanh toán. Do đó, các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn 2024-2025, một số cái tên đáng chú ý như: Vietcap, MBS, SSI, VNDirect…

Dưới góc nhìn khác, dù không quá lạc quan, nhưng vị chuyên gia đến từ DSC cho rằng khả năng VN-Index giảm 15-20% là rất khó xảy ra. Ngưỡng quanh MA200, tướng đương mốc 1.170 điểm sẽ hỗ trợ mạnh cho đợt giảm giá này. VN-Index chỉ có thể “thủng” ngưỡng trên khi các trụ cột tăng giá trong nước bị ảnh hưởng rõ ràng và thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024