Phim tài liệu điện ảnh Việt Nam: Cung đường khởi sáng
Dù chỉ mới khởi sắc trong thời gian ngắn gần đây, xong Phim tài liệu Điện ảnh Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công, gây tiếng vang lớn ở các liên hoan phim cũng như các lễ trao giải Điện ảnh Thế giới, cho thấy loại hình phim này “sinh sau đẻ muộn nhưng lớn nhanh”.
Điều đáng nói là để một bộ Phim Tài liệu Điện ảnh hiện thực có được thành công như vậy lại không hề có ekip hùng hậu, cũng không có dàn dựng công phu, mà chỉ có Đạo diễn, quay phim, đôi khi Đạo diễn cũng kiêm luôn quay phim. Nhưng cái khó khăn, vất vả nhất đó chính là thời gian. Làm phim Tài liệu không thể kiểm soát được thời gian sản xuất, chi phí không cao nhưng phim lại cuốn và chiếm hết nhiều thời gian của những người thực hiện. Phải mất thời gian để tìm được đề tài, có được cảm hứng từ đề tài đó rồi đi thâm nhập thực tế, hòa nhập và tạo được niềm tin với nhân vật, sống cùng nhịp với thế giới những con người thật là nhân vật của phim định hướng tới, trải qua, thậm chí tham dự vào sự kiện thật để có thể hiểu, cảm nhận rồi thu lại thành hình ảnh trong phim một cách chân thật và tự nhiên nhất.
Khác với phim Tài liệu chiếu truyền hình (hay màn ảnh nhỏ) ở Việt Nam từ trước tới nay, Phim Tài liệu Điện ảnh lột tả trần trụi, chân thật qua màn ảnh rộng và hệ thống âm thanh quy mô của rạp chiếu phim. Ở một góc nhìn khác, phương tiện kỹ thuật khác và ngôn ngữ truyền tải cũng như thời lượng khác mà Điện ảnh mới chào đón dòng Phim Tài liệu tham gia.
Gần đây phim Tài liệu Điện ảnh Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn với những bộ phim để lại dấu ấn mạnh mẽ và đạt giải tại các liên hoan phim thế giới như:
Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng – Madam Phung’s Last Journey: phát hành năm 2014. Phim do Nguyễn Thị Thắm đạo diễn và ghi hình. Đây là bộ phim dài đầu tay của Nguyễn Thị Thắm, kể về hành trình của một đoàn hát gồm đa phần là những người chuyển giới tại khu vực Nam Bộ.
Lấy cảm hứng từ những lần đến gánh hát hội chợ lúc nhỏ, Nguyễn Thị Thắm lên ý tưởng và thực hiện bộ phim từ năm 2009. Cô ở lại đoàn hội chợ Bích Phụng và ghi hình theo phong cách tài liệu trực tiếp trong vòng 13 tháng, đóng máy vào tháng 10 năm 2010. Sau một thời gian tìm kiếm hỗ trợ, cô bắt đầu dựng phim với hơn 70 giờ phim thô và đến Pháp để thực hiện công đoạn hậu kỳ. Bộ phim hoàn chỉnh vào tháng 3 năm 2014.
Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng công chiếu tại Liên hoan Điện ảnh Hiện thực, Paris vào ngày 24 tháng 3 năm 2014 và Hãng phim Xanh phân phối ở Việt Nam ngày 13 tháng 12 năm 2014. Bộ phim nhận nhiều phản hồi tích cực từ các nhà phê bình điện ảnh và phá đổ mọi kỷ lục phát hành phim tài liệu ở Việt Nam. Bộ phim đoạt giải “Special Mention” tại Liên hoan Phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots và đạt bằng khen trong hạng mục Phim tài liệu tại giải Cánh diều vàng 2013.
Đi Tìm Phong – Finding Phong: là một phim tài liệu của bộ đôi đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, được phát hành vào năm 2015. Đây là phim Tài liệu Điện ảnh hiếm hoi phát hành tại các rạp chiếu Việt Nam. Phim được thực hiện trong vòng 5 năm, theo chân Ánh Phong – một nghệ sĩ thiết kế làm việc tại Nhà hát múa rối Thăng Long trên hành trình chuyển giới thành một cô gái.
Đi Tìm Phong đã giành một số thành tích ở các liên hoan phim, trong đó có giải Grand Prix tại Liên hoan phim Quốc tế Jean Rouch 2015 tại Paris (Pháp), giải khán giả ở Viet Film Fest 2016 tại Los Angeles (Mỹ) và giải “Phim xuất sắc” ở Liên hoan phim LGBT Quốc tế 2016 ở Hy Lạp.
Đoạn Trường Vinh Hoa – The Glorious Pain của đạo diễn Lê Mỹ Cường được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những ông hoàng bà chúa trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Biến cố ập tới khi sóng gió xảy ra với những trụ cột của gánh hát. Là câu trả lời về tương lai gánh hát nhỏ của những con người miền Tây chất phác.
Phim nằm trong khuôn khổ Dự án VTV Đặc biệt – một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong thời gian 18 tháng từ lần khảo sát bối cảnh đầu tiên cho đến khi hoàn thiện sản phẩm phim cuối cùng (Tháng 03/2019 – Tháng 07/2020). Phim được chiếu trước tại một số rạp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ từ tháng 10, sau đó sẽ lên sóng VTV tháng 11.
Là một dự án phim liên quan đến đề tài văn hoá truyền thống nên bộ phim cũng nhận được tài trợ sản xuất bởi Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật. Phim hứa hẹn sẽ mang về những giải thưởng xứng đáng với những thước phim đẹp, chân thật và giàu cảm xúc mà các bạn trẻ từ miền Bắc đã dấn thân vào Nam bộ ghi lại.
Cả ba phim tiên phong cho dòng Phim liệu Điện ảnh hiện thực đương đại nổi lên như những lá cờ đầu bằng chất lượng, sự chuyên nghiệp và cái tâm làm nghề của những người trẻ. Ở cả ba phim đều vén lên một bức màng, không phải về một cuộc đời hào nhoáng mà là những hiện thực khốc liệt một cách hiện thực nhất. Số phận của họ đều đầy bi ai, phim hết, đời họ hết nhưng những giá trị, những thông điệp từ họ may mắn được Điện ảnh lưu lại sẽ sống mãi với thời gian.
TRUNG HIẾU