Phú Quốc và con đường trở thành thành phố biển đảo đầu tiên trong cả nước
Tiềm năng từ những con số ấn tượng
Theo thống kê của UBND huyện đảo Phú Quốc, giai đoạn 2010 – 2019 địa phương này đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm lên tới trên 38%/năm, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước.
Ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, năm 2019, Phú Quốc đã đón trên 4 triệu lượt du khách, có hơn 671.000 lượt khách quốc tế. 10 thị trường trọng điểm của du lịch Phú Quốc là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Malaysia, Đức, Pháp, Anh, Úc, Thụy Điển. Năm 2020, nếu không có dịch Covid-19 thì dự kiến Phú Quốc đón khoảng 5 triệu lượt khách.
Tính chung giai đoạn 2010 – 2019, mỗi năm tốc độ tăng trưởng lượt du khách và doanh thu từ du lịch của Phú Quốc khoảng 20 – 30%. Năm 2019, doanh thu du lịch của Phú Quốc đạt trên 5.700 tỉ đồng, chiếm trên 90% tổng doanh thu du lịch của toàn tỉnh Kiên Giang.
Trong cơ cấu GDP của Phú Quốc hiện nay, lĩnh vực du lịch – dịch vụ chiếm tới 70%, tương ứng với con số đó là 70% dân số trên đảo (kể cả lao động nhập cư) đang làm việc trong các lĩnh vực phi nông nghiệp (chủ yếu là dịch vụ du lịch và các ngành nghề liên quan).
Sở dĩ ngành du lịch phát triển mạnh như vừa qua là do hệ thống hạ tầng trên đảo Phú Quốc đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện theo định hướng của Chính phủ: “Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới”. Vì thế, Phú Quốc hiện có cảng hàng không quốc tế, mỗi ngày có hàng chục chuyến bay trong và ngoài nước hạ, cất cánh.
Năm 2014, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II. Cơ sở hạ tầng không ngừng được nâng cấp, trong đó 5.800 tỷ đồng cho giao thông, 2.400 tỷ đồng cho hệ thống cáp điện ngầm từ đất liền ra đảo, hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng cảng hàng không quốc tế, hơn 3.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Phú Quốc… Cảng biển quốc tế An Thới, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc và các trục đường chính đang được đầu tư hoàn thiện với tiêu chuẩn cao. Hiện Phú Quốc có hơn 300 dự án của các nhà đầu tư vào Phú Quốc, cam kết đầu tư vào Phú Quốc đạt hơn 370.000 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ USD.
Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết, hiện Phú Quốc đã đạt trên 80% tiêu chí của Bộ Xây dựng về đô thị loại II thuộc đô thị biển đảo. Trong đó, nhiều tiêu chí quan trọng như hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đều đạt, như tiêu chí về chức năng đô thị, mật độ dân cư (hiện trên 101.000 dân), tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, số hộ dân sử dụng điện… Đáng kể nhất là hạ tầng kết nối giao thông nội vùng với bên ngoài như sân bay Quốc tế Phú Quốc và giao thông cảng biển đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bước nhảy từ huyện đi lên thành phố thuộc tỉnh
Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) nhận định: Đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã hội đủ điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo đó, từ năm 2004, Kiên Giang đã có định hướng phát triển đảo Phú Quốc trở thành thành phố, đồng thời hướng xây dựng Phú Quốc trở thành khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Và đến cuối năm 2014, Phú Quốc cơ bản đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là đô thị loại II.
Thời gian qua, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa của Phú Quốc quá nhanh nên đã nảy sinh nhiều vấn đề về giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, nhân khẩu, an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội… mà chính quyền phải tập trung giải quyết, nhưng với một chính quyền cấp huyện thì nhiều việc đã trở nên quá tải. Vì vậy, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Ngoài ra, việc thành lập TP Phú Quốc còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chính trị, quốc phòng, an ninh nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo, tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam. Mặt khác, việc thành lập thành phố sẽ tạo sức hấp dẫn đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội cho Phú Quốc và cả tỉnh Kiên Giang.
Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm đưa huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, UBND tỉnh Kiên Giang gửi Tờ trình số 40/TTr- UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng ký ngày 3/4/2019 về việc xin chủ trương của Chính phủ thành lập các phường ở Phú Quốc và thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Sáng ngày 6/2/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã có thông báo về đề xuất xét duyệt Phú Quốc lên thành phố, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Huyện ủy Phú Quốc toàn quyền lãnh đạo, xây dựng hoàn chỉnh đề án thành lập thành phố Phú Quốc.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang thống nhất: Giao Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quốc lãnh đạo việc xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh đề án, thành lập thành phố Phú Quốc (không bao gồm có xã Thổ Châu, vì xã Thổ Châu đã có đề án thành lập huyện Thổ Châu thuộc Kiên Giang) và làm chủ đầu tư thực kiện đề án này, đồng ý nhập xã Hòn Thơm và xã An Thới để thành lập phường An Thới, thuộc thành phố Phú Quốc. Thông báo này thay thế Thông báo số 1476-TB/TU, ngày 29/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đề án thành lập thành phố Phú Quốc.
Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, việc huyện chuẩn bị nâng cấp lên thành phố đã được đông đảo người dân đồng thuận. Tuy nhiên, nhằm tạo sự đồng thuận thêm nữa, cần phải lấy ý kiến của cử tri để người dân thấy được trách nhiệm của mình nhiều hơn.
Theo đó, đang triển khai lấy ý kiến của cử tri (theo quy định) đóng góp cho Đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc. Ngoài ra, Phú Quốc cũng đã và đang chuẩn bị đội ngũ cán bộ đáp ứng theo mô hình của thành phố, như: Từng vị trí phải nâng lên vai trò trách nhiệm, hướng tới xây dựng Phú Quốc thành TP văn minh, cán bộ thân thiện, có trách nhiệm.
MỸ HUYỀN