Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế cho Nghị định 33/2017/NĐ-CP). Cùng với Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị định 36/2020/NĐ-CP đã bao quát nhiều hành vi vi phạm liên quan đến khai thác cát, sỏi và chế tài xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, ngay tại thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh huyện Đại Lộc (Quảng Nam), Công ty Hoàng Ân đang bất chấp pháp luật, ngang nhiên hoạt động, khai thác, mua bán cát ồ ạt nhưng không chứng từ hóa đơn, mặc dù liên tục bị chủ mỏ phản đối khiến cơ quan chức năng yêu cầu dừng gần một năm nay.

Tàu hút cát của Công ty Hoàng Ân đang chuẩn bị cập bến thuỷ nội địa Hoàng Ân 1.

Công ty Cổ phần 6.3 (Công ty 6.3) được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 4017/QĐ-UBND ngày 28/10/2015, diện tích mỏ 4,0 ha, khai thác ở độ sâu trung bình: 4,82m, trữ lượng khai thác của mỏ: 188.400 m3, công suất khai thác: 35.000 m3/năm và thời gian khai thác là 05 năm 5 tháng.

Ngày 25/7/2017, Công ty 6.3 (bên A) đã thực hiện ký kết hợp đồng số 45/2017/HĐKT về việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ cát trên cho cá nhân ông Trần Ngọc Xuân (bên B), trú tại 4 Huỳnh Ngọc Huệ, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng với tổng giá trị hợp đồng là 5 tỷ đồng.

Ngày 1/04/2020, ông Trần Ngọc Xuân (bên B) đã thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế số 02/2020/HĐKT với Công ty TNHH Hoàng Ân (Công ty Hoàng Ân – bên A) có địa chỉ tại thông Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, với nội dung: bên B đồng ý bán, bên A đồng ý mua cát xây dựng của bên B tại bến thủy nội địa Hoàng Ân 1, thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, với giá bán 48.000 đồng/m3 (giá chưa thuế, có thuế sẽ được cộng thêm 30.000đ/m3).

Do hợp đồng số 45/2017/HĐKT giữa Công ty 6.3 với ông Trần Ngọc Xuân thực hiện thanh toán không đúng theo hợp đồng đã ký kết, nên phía Công ty 6.3 đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không chấp nhận hiệu lực của hợp đồng trên.

Chính vì thế, khi Công ty Hoàng Ân cho ghe tàu triển khai hút cát trong khu vực mỏ của Công ty 6.3 theo hợp đồng số 02/2020/HĐKT thì bị chủ mỏ phản đối. Cụ thể, ngày 22/6/2020, Công ty 6.3 đã có công văn số 64/CV-CT báo cáo về việc hút cát trái phép của Công ty Hoàng Ân tại khu vực lân cận và khu vực mỏ của Công ty 6.3.

Hệ thống bơm đẩy cát từ tàu lên bãi tập kết tại bến thuỷ nội địa Hoàng Ân 1.

Đến ngày 03/10/2020, phía Công ty 6.3 tiếp tục có Công văn số 101/CV-CT gửi cho Phòng Tài nguyên Môi trường, Công an, UBND huyện Đại Lộc và UBND xã Đại Minh báo cáo tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực mỏ của mình. Cụ thể: “Công ty chúng tôi luôn nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định trong lĩnh vực khai thác, công ty chỉ hút lên bãi tập kết và xúc vận chuyển khoáng sản; không khai thác khoáng sản bằng ghe thuyền.

Tuy nhiên hiện nay, có nhiều ghe thuyền lạ hút cát trái phép tại khu vực lân cận ranh giới mỏ cát của công ty, có lúc lấn vào phạm vi mỏ cát của công ty. Qua tìm hiểu và theo dõi thì đây có thể là ghe thuyền của công ty Hoàng Ân đã hút và vận chuyển về tập kết tại bãi tập kết của Công ty Hoàng Ân tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc” – trích nội công văn 101/CV-CT.

Theo ghi nhận của phóng viên(PV) tại hiện trường mỏ cát Công ty 6.3, ngoài 3 phương tiện hút cát của chủ mỏ, ở giữa dòng sông Vu Gia luôn có 2 ghe tàu đang thực hiện hút cát bơm trực tiếp lên bụng ghe, theo như lời của bảo vệ mỏ thì đó là 2 ghe của Công ty Hoàng Ân.

Trao đổi với PV tại bến thủy nội địa Hoàng Ân 1, tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc), ông Lê Tường Vỹ, Giám đốc Công ty Hoàng Ân thừa nhận toàn bộ cát tại bãi được khai thác từ mỏ cát của Công ty 6.3.

“Tôi làm nghề khoáng sản này đã hàng chục năm nay, cát này được mua bán theo hợp đồng giữa công ty với ông Trần Ngọc Xuân, dựa trên hợp đồng ông Trần Ngọc Xuân ký với Công ty 6.3, chính tôi đã đưa tiền cho ông Xuân thực hiện hợp đồng mua bán với ông Hùng Công ty 6.3”- ông Vỹ phân trần.

Công ty Hoàng Ân đang múc cát lên xe để cung ứng cho khách hàng.

Làm việc với PV, ông Hồ Thanh Phương, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đại Lộc cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin có hoạt động khai thác cát trái phép của Công ty Hoàng Ân tại mỏ 6.3, huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra và yêu cầu phía Công ty Hoàng Ân dừng ngay mọi hoạt động khai thác, từ đó đến nay phía Công ty Hoàng Ân không thực hiện khai thác nữa.

Mặc dù, PV đã đưa ra bằng chứng cho thấy Công ty Hoàng Ân vẫn đang triển khai hút cát trái phép, nhưng ông Phương vẫn khẳng định là không có chuyện đó. Ngoài ra, chính ông Vỹ cũng thừa nhận là đang khai thác tại mỏ cát 6.3!

Hai ghe đang hút cát trái phép tại mỏ cát của công ty 6.3.

Ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh thừa nhận có việc Công ty Hoàng Ân khai thác cát trái phép tại mỏ cát 6.3, tuy nhiên, việc xử lý không thuộc thẩm quyền của xã.

“Quản lý khai thác cát sỏi không dễ, lúc kiểm tra phát hiện yêu cầu dừng thì họ dừng, nhưng khi mình về thì họ lại tiếp tục khai thác. Hơn nữa họ hoạt động rất tinh vi nên rất khó kiểm soát” – ông Năm chia sẻ.

Điều đáng nói, Công ty Hoàng Ân thực hiện khai thác, mua bán cát có nguồn gốc tại mỏ của Công ty 6.3 từ đầu tháng 4/2020 cho đến nay, nhưng phía Công ty 6.3 không thừa nhận việc mua bán cát cho ông Xuân cũng như công ty Hoàng Ân, cũng có nghĩa là phía Công ty 6.3 không hề xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Vậy hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào ở đâu để Công ty Hoàng Ân xuất ra khi thực hiện mua bán cát chưa kể đến số tiền bị thất thoát nguồn thu ngân sách từ lượng cát trên!

Theo lời của một cán bộ quản lý mỏ công ty 6.3, hàng ngày Công ty Hoàng Ân có 5 đến 6 ghe tàu hút cát, khối lượng mỗi ghe từ 40 đến 60m3 và mỗi ghe mỗi ngày hút được ít nhất 5 chuyến. Vị chi mỗi ngày Công ty Hoàng Ân khai thác cả 1.000 m3 cát.

Hiện trường bãi tập kết cát tại mỏ cát công ty 6.3 đang hoạt động.

Với khối lượng cát lớn như vậy được Công ty Hoàng Ân khai thác mua bán trong suốt thời gian dài, người dân nhiều lần gửi đơn thư, phản ánh đến cơ quan chức năng, thế nhưng hiện nay việc khai thác và mua bán cát của Công ty Hoàng Ân vẫn ngang nhiên diễn ra hàng ngày, điều này cho thấy sự bất lực trong công tác quản lý khoáng sản tại địa phương.

NHÓM PV