ISSN-2815-5823
Thứ ba, 03h09 04/01/2022

Quốc hội khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

(KDPT) – Thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, sáng ngày 4/1/2022, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội,…

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp bất thường lần này nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước và chỉ cần giải quyết sớm một ngày tình hình đã khác. Vì vậy, việc triệu tập kỳ họp bất thường là rất cần thiết.

Tại phiên họp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về 4 nội dung quan trọng, cấp bách, dự kiến được thông qua tại kỳ họp. Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về những nội dung này.

Nội dung thứ nhất được xem xét, thông qua lại phiên họp bất thường lần này là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Nội dung thứ hai được xem xét là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật nhằm tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, tháo gỡ một số khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường giải thích đang có nhiều vướng mắc liên quan tổ chức thực hiện các luật trên, nên việc một luật sửa nhiều luật cần được xem xét để tháo gỡ ngay, nếu không sẽ ách tắc mãi.

Thứ ba, kỳ họp bất thường sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc, chia thành 12 dự án thành phần và có thể vận hành khai thác độc lập với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 147.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Do khó khăn trong việc huy động vốn, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Việc đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước được đánh giá là rất cần thiết.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là nội dung thứ tư được xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Cần Thơ là vùng động lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên cơ chế cho địa phương này phát triển cũng là vấn đề cấp bách.

Quốc hội dự kiến bế mạc kỳ họp bất thường vào ngày 11/1 và họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

DUY KHÁNH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/05/2024