ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 04h42 12/02/2021

Rạng ngời tâm thế Việt Nam

(KDPT) – Xuân Tân Sửu 2021 đang đến với bao điều phấn khởi và đáng tự hào về một dân tộc Việt Nam đã bước qua những gian lao, vất vả để có được thành tựu cho đất nước, dựng nên một tâm thế Việt Nam rạng ngời. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có quyền tự hào đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, quyền lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Vượt qua thử thách – khẳng định vị thế

Năm 2020, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải chịu cảnh ảm đạm về kinh tế, khắc khoải trong đời sống xã hội vì đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn tỏa sáng và định vị là một quốc gia đầy tiềm năng và phát triển bền vững.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035 với tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) công bố dự báo đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình. JCER dự báo thu nhập đầu người Việt Nam sẽ là 11.000 USD năm 2035 và quy mô kinh tế sẽ lớn thứ hai trong vùng, chỉ sau Indonesia.

Hồi tháng 8/2020, Tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) được hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance công bố, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, với ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.

Cụ thể, hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Trong các lĩnh vực khác, thứ hạng của Việt Nam cũng có sự gia tăng đáng kể. Kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 quốc gia châu Á và 6/11 quốc gia Đông Nam Á.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo GII năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42 trong 131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore và Malaysia. Trong nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Tính chung trong các năm qua, Việt Nam nằm trong top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian…

Tàu cập cảng Quốc tế Tân cảng – Cái Mép. (Ảnh nguồn internet)

Chủ động thích ứng, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế

Bên cạnh đó, Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu tiên cùng đảm nhận ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, và Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Với sự sáng tạo, chủ động thích ứng, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế của mình. Dù hầu hết các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến và bán trực tuyến nhưng đều đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Dưới sự chèo lái của Việt Nam theo chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020, về cả phát triển nội khối và đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

Và với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, các Nghị quyết được thông qua và các cuộc trao đổi tại AIPA 41 đã nêu bật vai trò quan trọng của Nghị viện tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết để bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng và bền vững, vì lợi ích của mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong đó có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN. Việt Nam đã hoàn thành tốt các cam kết, hoàn thành tốt trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2 năm, trên cương vị Ủy viên không thường trực.

2020 cũng là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn về Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như “đường cao tốc” nối liền Việt Nam và châu Âu.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch. RCEP có nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Bên thềm năm mới, Hiệp định thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA) cũng đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Việc tham gia ngày càng nhiều FTA không chỉ cho thấy quyết tâm hội nhập sâu rộng của Việt Nam mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thiện thể chế.

Một mùa xuân mới đang về hứa hẹn những niềm vui đơm hoa kết trái. Mùa xuân cũng mang theo một khí thế mới và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường và thịnh vượng,

Trong dịp đầu xuân này, cả nước hân hoan chào đón sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chúng ta tin tưởng rằng, Đại hội thành công tốt đẹp và vạch ra đường lối phát triển cho Việt Nam, cho những chặng đường tiếp theo, đưa đất nước gặt hái thắng lợi mới, mang về những kì tích mới. Và tất cả chúng ta hãy cống hiến nhiều hơn, bằng bản lĩnh, trí tuệ và lòng tự tôn dân tộc, cùng kiến tạo nên những mùa Xuân cho đất nước rạng ngời.

AN PHONG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/06/2025