ISSN-2815-5823

Sẽ ưu tiên xe taxi được hoạt động như xe buýt

Đây là nội dung trong Tờ trình Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mới nhất trình Chính phủ của Bộ GTVT.

(KDPT) – Khi tổ chức giao thông tại đô thị thì ưu tiên xe taxi được hoạt động như xe buýt để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Trong Dự thảo lần này, có nội dung rất quan trọng là việc sửa đổi, bổ sung định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.

Dự thảo đã bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Dự thảo đề xuất khi tổ chức giao thông tại đô thị thì ưu tiên xe taxi được hoạt động như xe buýt.

Đáng quan tâm, xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại. Khi tổ chức giao thông tại đô thị thì ưu tiên xe taxi được hoạt động như xe buýt để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Theo Dự thảo, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và công bố các vị trí đón, trả khách cho xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trong khu vực nội thành, nội thị thuộc các đô thị; quản lý hoạt động vận tải bằng xe taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ taxi công cộng trên địa bàn; ưu tiên xe taxi được hoạt động như xe buýt khi tổ chức giao thông tại đô thị…

Dự thảo cũng bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe trung chuyển để quản lý chặt chẽ các phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Các thông tin phải lưu trữ và truyền dẫn gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Cụ thể, thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình sau: Trước ngày 1-7-2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ 9 chỗ trở lên; Trước ngày 1-7-2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc; trước ngày 1-7-2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên; trước ngày 1-7-2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.

Các đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe cố tình ngắt điện hoặc can thiệp vào hoạt động của thiết bị khi vi phạm.

Tuy nhiên, yêu cầu gắn thiết bị giám sát hành trình có ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị kinh doanh vận tải do phát sinh quy định và tăng chi phí cho DN. Theo Bộ GTVT, trên 340.000 phương tiện kinh doanh vận tải hiện có sẽ phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có thêm chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe.

Hiện nay, trên thị trường một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5 – 5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị sẽ vào khoảng 1.500 – 1.900 tỷ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Dự thảo cũng yêu cầu lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 3 năm tại máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Hải Lý
Nguồn phapluatxahoi.vn

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024