Có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng của bất động sản khu công nghiệp đang rất lớn, nhiều tỉnh thành đang “chạy đua” lập khu công nghiệp để hút tỷ USD vốn ngoại. Tuy nhiên, để kịp thời “dọn ổ đón đại bàng”, hút tỷ USD vốn ngoại, các địa phương, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cần có sự điều chỉnh, thích ứng kịp thời, nhanh chóng “cởi trói” về thủ tục hành chính, pháp lý.

Theo Savills Việt Nam, các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai còn rất ít diện tích trống. Tỷ lệ lấp đầy tại 6 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam ghi nhận mức 84% với giá thuê trung bình xấp xỉ 3,5 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê 50 năm.

Quỹ đất chính là một trong những bài toán buộc các địa phương phải giải hết nhằm tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn cả trong và ngoài nước.
Quỹ đất chính là một trong những bài toán buộc các địa phương phải giải hết nhằm tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn cả trong và ngoài nước.

Tại Đồng Nai, thống kê sơ bộ cho thấy địa phương này đang có khoảng 40 khu công nghiệp đã được thành lập và phê duyệt. Tuy nhiên, thiếu quỹ đất đang là rào cản lớn trong tham vọng phát triển thần tốc ngành công nghiệp của tỉnh.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai đánh giá, nhiều năm nay Đồng Nai tự hào về thu hút FDI nhưng quỹ đất cho thuê cạn kiệt và những bất cập trong chính sách đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Cuộc đua thu hút các dự án bất động sản công nghiệp giữa các tỉnh thành đang ngày càng khốc liệt. Đáng chú ý, không chỉ các “thế lực cũ”, nhiều địa phương vốn vô danh nhưng nay cũng trở thành “thế lực mới” trong thu hút FDI.

Điển hình như UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phú Bình, huyện Đức Trọng, diện tích 246 ha, được định hướng là khu công nghiệp đa ngành, kết hợp dịch vụ vận tải kho vận.

Tại Ninh Thuận, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp mới (Sơn Mỹ 1) vừa được khởi công và 2 khu công nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất.

Ở phía Bắc, nhiều địa phương cũng tuyên bố chuyển hướng mạnh sang phát triển khu công nghiệp. Điển hình như Quảng Ninh chuyển từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn sang mục tiêu hình thành trung tâm công nghiệp lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, để cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tỉnh đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, như các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển lớn, sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động.

Hay tại Hải Dương, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất trên 10.000 ha, trong đó, gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị dịch vụ và logistics.

Đáng chú ý, tỉnh này đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, với diện tích 10.000 ha tại vị trí kết nối nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cách Hà Nội 25 phút đi xe.

Chuyên gia cho rằng hiện nay các tập đoàn lớn không chỉ quan tâm đến quỹ đất mà còn lưu tâm đến hệ sinh thái của khu công nghiệp như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, nhà ở cho công nhân, hệ thống thương mại dịch vụ kèm theo...

Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các khu công nghiệp là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động.

Đặc biệt, xu hướng xanh và bền vững tại các khu công nghiệp là định hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, xu hướng này chính là một lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp tại Việt Nam với các “đại bàng” trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, gồm: hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng...