ISSN-2815-5823
Bảo Trung
Thứ tư, 12h07 15/05/2024

Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa

(KDPT) - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức Tọa đàm “Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đây là những quy định góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên cơ sở mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô và trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa với một số cơ chế đặc thù mới nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc, giá trị văn hóa của Thủ đô.

Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có các diễn giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV; Ông Trương Minh Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội; Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: "Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/1/2024 của UBND TP. Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời, để tiếp tục góp phần hoàn thiện các chính sách nổi bật trong Dự thảo Luật trước khi Quốc hội khóa XV thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”."

Việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện kể từ khi thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Phạm Hùng)
Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Phạm Hùng)

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội cho rằng mục tiêu của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Ngoài đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách Hà Nội tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa. Năm 2022, Thành phố đã ban hành Nghị quyết, bổ sung nguồn vốn cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dự kiến trên 14.000 tỷ đồng, trọng tâm là đầu tư cho tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với những chủ trương, Nghị quyết và kế hoạch cụ thể sẽ góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa di sản nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.

Văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Chúng ta tự hào Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá tiêu biểu của con người Việt Nam.

Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hoá, đây là thế mạnh của Thủ đô, và Hà Nội phải có sự điều tiết, dẫn dắt văn hoá của đất nước. Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hoá, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành uỷ về phát triển công nghiệp văn hoá.

Quốc hội vừa thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rằng, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa phải nhấn mạnh đến công nghiệp văn hóa thì Hà Nội chúng ta đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hoá đã giúp lĩnh vực gặt hái được nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, tham gia vào các không gian sáng tạo, các sự kiện công nghiệp văn hoá, chứng minh sự quan tâm của Thành uỷ, UBND đối với văn hoá, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hoá…”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội khóa XV cho biết.

Ông Trương Minh Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội chia sẻ Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội có thêm các cơ chế chính sách mới, thậm chí có những kỳ vọng về cơ chế chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô Hà Nội.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian qua, 10 Chương trình công tác đã được triển khai đồng bộ và đặc biệt là Chương trình 06 về phát triển văn hóa, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã có chuyển biến tích cực và tác động hai chiều”.

Các diễn giả trả lời câu hỏi tại Tọa đàm.
Các diễn giả trả lời câu hỏi tại Tọa đàm.

Ông Trương Minh Tiến cho biết thêm, sau khi kiểm kê TP. Hà Nội thống kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là bộ phận rất quan trọng của toàn bộ di sản văn hóa của Thủ đô, mang lại giá trị của Thủ đô mà còn cả dân tộc, đất nước.

Trong những năm qua, kể từ khi triển khai Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ XVII đến nay, TP có nhiều chính sách quan tâm bảo tồn di sản văn hóa. Ngành văn hóa đã triển khai tham mưu nhiều cơ chế chính sách, ngành công thương được triển khai hoạt động khuyến công, tôn vinh làng nghề. Năm 2019, Chính phủ có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân khó khăn. Mặc dù Hà Nội không có nghệ nhân nào khó khăn nhưng chúng ta có 131 nghệ nhân được Chủ tịch nước trao tặng là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Các cụ ví như báu vật, nhân vật sống của đất nước nên cần chăm sóc, quan tâm các đối tượng này.

Năm 2022, Sở VH&TT Hà Nội tham mưu cho UBND, HĐND ra Nghị quyết số 23 về chế độ đãi ngộ với các trình diễn văn hóa phi vật thể, CLB dân gian. Mức hỗ trợ ban đầu cho CLB dân gian là 50 triệu đồng, nghệ nhân nhân dân được 40 triệu, nghệ nhân ưu tú được 30 triệu. Thù lao trình diễn mỗi buổi của nghệ nhân nhân dân là 500 nghìn đồng, ưu tú là 300 nghìn đồng,... những người truyền dạy được chế độ nhất định. Đấy là những bước rất quan trọng trong quá trình gìn giữ, chăm lo đối tượng nghệ nhân này.

Tuy nhiên, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có chính sách vượt trội. Với nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng thì giữ chế độ này cũng được nhưng cần hỗ trợ bảo hiểm y tế để chăm lo sức khỏe, hàng tháng nên có phụ cấp cho các cụ bởi có cụ không truyền dạy, biểu diễn được nữa. Có thể hàng tháng hỗ trợ các cụ 1-2 triệu. Mở thêm chính sách đối với nghệ nhân.

Hơn nữa, số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian chưa được phong tặng danh hiệu cũng rất lớn. Do vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cơ quan tham mưu Sở VH&TT cần nghĩ thêm chăm lo cho đối tượng trình diễn nghệ thuật dân gian ở cơ sở thì sẽ giúp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Hiện nay, Hiệp hội CLB UNESCO Thành phố Hà Nội có một số CLB do chúng tôi thành lập, ví dụ như: CLB ca nhạc truyền thống. Nếu theo Nghị định 45 thì đội ngũ này không thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng họ rất xứng đáng được hưởng cái chế độ này.

Trả lời câu hỏi Với các cơ chế được đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, đã đủ giúp cho Hà Nội phát triển, đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển? Bà Lan Anh cho rằng Quá trình xây dựng Luật là liên tục cần tổng kết thực tiễn, từ những vấn đề nảy sinh, để có kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách sát với thực tiễn. Nếu nói “đã đầy đủ hết chưa” thì chúng tôi chưa dám khẳng định, nhưng chỉ cần những vấn đề đã được quy định trong Luật được thực hiện và kiến nghị ban hành những văn bản dưới luật thật sự chặt chẽ và đáp ứng thực tiễn thì đã rất tốt rồi.

Bởi thực tế, ở thời điểm năm 2016 khi chúng ta thực hiện Đề án tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khi đó chưa có phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Hà Nội chưa có di sản văn hóa nào được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đến nay sau 8 năm, TP. Hà Nội đã có 38 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều nhất toàn quốc. Đồng thời, khi đó chúng ta có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, thì sau này ta đã có thêm 2 di sản nữa được ghi danh vào di sản thế giới. Hơn nữa không chỉ được ghi danh độc lập của Hà Nội mà tham gia trong ghi danh của toàn quốc hoặc đa quốc gia.

Chuẩn bị cho thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng tôi đã bàn thảo việc sau đây cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành nghị định hay ban hành nghị quyết của HĐND TP hay các quyết định của UBND TP - với từng nhóm lĩnh vực cụ thể, TP đã có chỉ đạo tương đối rõ ràng.

Chắc chắn trong quá trình tham mưu sẽ có sự vào cuộc của các cơ quan lĩnh vực tư pháp để bảo đảm văn bản ban hành đúng quy định; có sự tham vấn của chuyên gia các ngành các cấp để bảo đảm văn bản ban hành có ưu đãi, phù hợp thực tiễn và đúng nguyện vọng.

HĐND TP. Hà Nội, MTTQ TP. Hà Nội với vai trò thẩm định hay phản biện chắc chắn sẽ triển khai xin ý kiến đóng góp của các bên và đăng tải công khai; chúng tôi sẽ cố gắng tiếp thu tối đa những ý kiến đề xuất của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, để làm sao những gì được ban hành ra sẽ phù hợp và khả thi nhất./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024