ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ hai, 16h21 13/11/2023

Doanh nghiệp và kỳ vọng với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

(KDPT) - Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội vào chiều 10/11. Đây là dự luật không chỉ được cơ quan Nhà nước các cấp ở Trung ương, Thủ đô Hà Nội quan tâm mà đối với cộng đồng các doanh nghiệp, sự kỳ vọng cũng rất lớn với mong muốn khi dự thảo Luật khi ban hành sẽ có những bước đột phá trong cơ chế quản lý và khai thông các nguồn lực, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại, văn minh.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại, văn minh.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

“Lần này xác định Thủ đô là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ bởi vì quy mô kinh tế của thành phố ngày càng lớn, tính chất kinh tế của Thủ đô cũng khác trước, nên định vị lại như vậy” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô

Sau 10 năm đi vào đời sống (Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). 10 năm qua, Luật Thủ đô đã đóng góp lớn vào các thành tựu Thủ đô Hà Nội đạt được từ cơ sở hành lang pháp lý mà Luật Thủ đô hiện hành đã tạo ra như: Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; Nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu. Hà Nội đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Tuy vậy, về cơ bản, Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay. Từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Theo PGS.TS. Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, tiếp đó là các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng tổ chức không gian chức năng, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo nền tảng, cơ sở hay tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo và hòa bình của thế giới. Đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô…

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Ảnh: TL
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Ảnh minh họa: TL

Hà Nội không thể giống các địa phương khác

Ngày 10/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi Luật Thủ đô 2012 sau 10 năm triển khai trong thực tế.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Dự thảo luật quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội …

Đối với chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách TP giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) khẳng định Hà Nội là trái tim của cả nước nên người dân đều mong muốn xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò. Chính vì vậy, việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô lần này là dịp để đánh giá một cách căn cơ, toàn diện quá trình hơn 10 năm thi hành Luật, đồng thời chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tế, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ, giúp Hà Nội phát huy mọi nguồn lực để phát triển.

“Hà Nội không thể giống bất cứ một địa phương nào, nếu có tương đồng một chút thì có thể so sánh với TP.HCM. Tuy nhiên, TP.HCM không thể hoàn toàn đồng nhất với Thủ đô được. Do đó, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả”, Đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chỉ rõ, trong 63 tỉnh, thành phố cả nước duy nhất Hà Nội có Luật Thủ đô. Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 đã tạo bước đột phá để Thủ đô Hà Nội tiến lên một bước mới. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, thực tiễn thi hành luật cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi để phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

"Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để mọi người đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị", đại biểu nói và bày tỏ tin tưởng, Thủ đô sẽ có những chế độ đãi rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách, cũng như mang tính đãi ngộ vượt trội để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp

Chia sẻ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng, Hà Nội đang phát triển một cách mạnh mẽ và luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ là Thủ đô của đất nước mà còn là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của nước nhà.

Theo TS Hòa, để đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của Hà Nội, cần thiết phải có một hành lang pháp lý đầy đủ. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 không chỉ tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Còn theo TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, để có thể giải quyết được vấn đề thực tiễn, để Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của cả nước; đồng thời là trung tâm kinh tế, là động lực tăng trưởng cho vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thì Thủ đô cần có cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, giáo dục hiện đại để người dân có thể hưởng lợi, để nhà đầu tư có thể yên tâm trong quá trình sản xuất, kinh doanh… Điều này cần có nguồn lực, nhưng nguồn lực hiện nay chưa đủ.

Với mục tiêu để bảo đảm điều kiện còn chưa được đáp ứng đầy đủ trong Luật Thủ đô năm 2012 thì theo TS. Lê Duy Bình, yêu cầu hết sức cấp thiết là đưa ra thể chế vượt trội, cơ chế mang tính chất đặc thù áp dụng cho Thủ đô (sửa đổi), từ đó cho phép khai thác nguồn lực của Thủ đô chưa được sử dụng một cách hiệu quả trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Nhấn mạnh về kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo đà cho quy hoạch, TS Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty Luật Vietthink cho rằng: "Nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tôi hy vọng giải pháp pháp lý này cùng với các giải pháp khác về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội sẽ giúp cho Hà Nội có thể đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội”.

Cùng mong chờ vào những tín hiệu tích cực của Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Hồng Lam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam bộc bạch.“Khi biết những quy hoạch mới trong Luật thủ đô, doanh nghiệp chúng tôi hiểu rằng chính quyền đang dành nhiều nỗ lực để xây dựng những chính sách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất và kinh doanh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp thu, học hỏi và thực hiện nghiêm túc các quy định từ chính quyền địa phương.”

Chủ tịch Rosa Bonita, Chủ tịch Học viện Kingsman, TS. Hoàng Trung Dũng bày tỏ, doanh nghiệp rất trông đợi việc chính quyền Thủ đô chủ động quyết định các vấn đề phát triển hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn; phát triển công nghiệp văn hóa; thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô; chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô; thu hút nhà đầu tư chiến lược; hoạch, phát triển, khai thác không gian ngầm, khoảng không phục vụ đời sống nhân dân…

Đây đều là những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp và doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cùng chính quyền thực hiện một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Trong bài viết “Tạo sức bật mới cho Thủ đô Hà Nội phát triển” nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội. “Giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các “nút thắt” cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên”, Bí thư Hà Nội bày tỏ.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024