ISSN-2815-5823

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bệnh Chikungunya tại vùng biên

(KDPT) – Mới đây, UBND hai tỉnh Long An và An Giang đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng chủ động tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh Chikungunya hiện nay đang diễn ra phức tạp ở nước láng giềng Campuchia.

Bệnh Chikungunya là loại bệnh lây truyền từ người sang người thông qua muỗi Aedes đã nhiễm bệnh.

Cụ thể, theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 19 – 22/7/2020 tại tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia đã ghi nhận khoảng 100 người mắc bệnh do virus Chikungunya gây ra. Bệnh này lây truyền từ muỗi Aedes. Đến ngày 01/08/2020, đã có 1.020 người bị nhiễm tại 12 tỉnh thành Campuchia gồm: Banteay Meanchey, Siem Reap, Preah Vihear, Kampong Chain, Tbong Khmum, Ta Keo, Kampot, Preah Sihanouk, Oddar Meanchey, Pursat, Pailin và Stung Treng.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, Chikungunya là bệnh do virus được lây lan truyền sang người qua trung gian là muỗi Aedes đã nhiễm bệnh. Triệu chứng phổ biến của bệnh này là sốt, đau cơ, đau khớp nghiêm trọng, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban; các dấu hiệu lâm sàng của bệnh này giống như bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika.

Bệnh Chikungunya có khả năng lây truyền từ người qua người thông qua muỗi Aedes và hiện đã lây lan nhanh sang 12 tỉnh, thành phố tại Campuchia trong đó có 4 tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là: Tbong Khmum, Takeo, Kampot, Kandal. Trước tình hình của “bệnh lạ” tại Campuchia, UBND tỉnh Long An đã có công văn số 4881 yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh chủ động trong việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika.

Còn tại An Giang, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở ngành, các địa phương (nhất là các địa phương thuộc khu vực biên giới) tăng cường các hoạt động công tác tuyên truyền, phổ biến về sự nguy hiểm, lây lan nhanh chóng cũng như khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng, chống loại dịch bệnh này. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các ngành chức năng cần phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh và xử lý nhanh, triệt để các ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh Chikungunya trong mọi tình huống.

Hiện nay, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ và tuyên truyền rộng rãi về công tác phòng chống bệnh Chikungunya, thì bệnh này sẽ có khả năng lây lan sang các khu vực tỉnh, thành phố của Việt Nam tiếp giáp với biên giới Campuchia.

PHÚC HẬU

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024