ISSN-2815-5823
Hoài Phong
Thứ hai, 06h00 26/02/2024

Tăng trưởng tín dụng giảm ở tháng đầu năm: Hiện tượng bình thường

Các chuyên gia kinh tế và đại diện các ngân hàng cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng giảm ở tháng đầu năm là điều bình thường, có tính mùa vụ.

Tăng trưởng tín dụng âm tháng đầu năm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phẩn, tín dụng tháng đầu năm giảm tới 2-3%. Ví dụ ở Agribank, tín dụng đầu năm giảm hơn 1% nhưng về cuối năm tăng trưởng mạnh. Ngay cuối quý II có thể tăng trưởng 5-6%.

Tại Vietcombank, tháng 1/2024, tín dụng sụt giảm 2,3% so với cuối năm 2023, tương ứng giảm 30.000 tỷ đồng. Trong đó tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.

Tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Lý giải hiện tượng này, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, đây là hiện tượng bình thường, bởi tháng đầu năm kinh tế chưa sôi động vì đang mùa nghỉ lễ. Thậm chí, nhiều khách hàng cũng mang tâm lý không “vay tiền” từ đầu năm.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank nêu quan điểm, năm 2024, cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không có gì vướng mắc, khá thông thoáng. Việc tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng đầu năm do khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết nên chưa giải ngân được vốn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, ở Vietcombank, với mảng tín dụng bán lẻ, việc cho vay giảm trong tháng 1 do xu hướng vay bất động sản tiêu dùng suy giảm.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank

Ở khía cạnh bán buôn, theo ông Tùng, vướng mắc pháp lý là vấn đề lớn với nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhiều doanh nghiệp. Ngân hàng đã “ngồi lại” với khách hàng để tháo gỡ khó khăn, nhưng vẫn cần nhiều thời gian để tháo gỡ các nút thắt pháp lý. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp cũng đắn đo trong việc mở rộng đầu tư, kinh doanh, nên giảm vay vốn.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long, dư nợ tín dụng của BIDV giảm 1,25% so với cuối năm trước (khoảng 25.000 tỷ). Tuy nhiên, mức giảm này điều thông thường trong các năm gần đây.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trước, trong và sau Tết âm lịch, tăng trưởng tín dụng thường chậm lại. Việc suy giảm này cho thấy có tính chất quy luật, đồng thời cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm, khả năng hấp thụ vốn yếu.

Do đó, theo ông Tú, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt...

Theo các chuyên gia, thông thường tín dụng tháng 12 sẽ tăng nóng, tháng 1 thường “trầm xuống”. Đây là hiện tượng bình thường.

Đẩy mạnh kích cầu nền kinh tế

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng giảm ở tháng đầu năm là điều bình thường, có tính mùa vụ.

Ông Thịnh cho biết, các doanh nghiệp đã chuẩn bị tín dụng từ tháng 12 cho các đơn hàng, nên sau Tết dương lịch, việc này đã hoàn thành nên tăng trưởng tín dụng tháng 1 thường thấp. Việc tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh vào cuối năm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Ví dụ năm ngoái, 10 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng cho đạt gần 11% nhưng đến tháng 12 đã hơn 13%. Do đó, việc tháng 1 tín dụng giảm cũng không có gì lạ và tháng 2,3 tới đây, việc tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại bởi các đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu trở lại, dù mới chỉ là những đơn hàng ngắn hạn.

Ông Thịnh cho biết, năm 2024, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao chi tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, để “rã đông” tín dụng cũng là nhiệm vụ cần được chú trọng.

Theo ông Thịnh, tiền trong ngân hàng nhiều nhưng doanh nghiệp giảm đầu tư, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh; nhiều khách hàng không đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng… nên dù lãi suất hạ nhiệt các doanh nghiệp vẫn không quá mặn mà trong việc vay vốn.

Chuyên gia khuyến nghị tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần phải giải quyết được đầu ra và kích thích tiêu dùng nội địa. Khi hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn, doanh nghiệp có niềm tin vào thị trường hơn thì họ sẽ mạnh dạn vay vốn hơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để tín dụng chảy mạnh hơn vào nền kinh tế, các ngân hàng thương mại cũng cần đơn giản hoá thủ tục hành chính, hồ sơ vay vốn, tiết giảm các cái chi phí để giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho hay, hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, do đó dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều. Để nền kinh tế có thể hấp thụ được vốn, cần đẩy mạnh kích cầu nội địa, doanh nghiệp phải có đơn hàng. Nếu kích cầu không hiệu quả thì giảm lãi suất cũng không nhiều tác dụng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)

“Cần tập trung chính sách tài khoá, đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cần giảm, giãn thêm nhiều loại thuế, phí để kích cầu khu vực tư nhân”, ông Huân nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng đánh giá rằng, kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, nợ xấu tăng cao… là nguyên nhân dẫn tới việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức thấp nhất trong những năm qua. Chưa kể, hiện nay Việt Nam cũng đang thiếu các chế tài cần thiết đối với vấn đề thu hồi nợ. Do đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024