ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ năm, 09h00 20/07/2023

Tạo cầu nối cho hàng Việt thông qua sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành

(KDPT) - Xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố sẽ liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả. Qua đó, phục vụ nhu cầu thúc đẩy giao dịch, mua sắm hàng hóa qua kênh thương mại điện tử của người dân, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.
Giao diện của sàn thương mại điện tử họp nhất 63 tỉnh, thành
Giao diện của sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành

Hiện nay, thực trạng hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử của các địa phương còn nhiều hạn chế, hoạt động kém hiệu quả. Chính vì thế, đặt ra bài toán làm thế nào để các sàn địa phương vừa có thể phát triển tốt, vừa đảm bảo tính chất vùng miền, vừa tận dụng được các nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần lớn.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Đề án Xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành sẽ liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả.

Sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành hướng tới 4 mục tiêu chính:

Một là, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử;

Hai là, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương trên cả nước về một địa chỉ;

Ba là, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua việc lựa chọn sản phẩm có trọng tâm của địa phương theo tiêu chí sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... để triển khai sư kiện truyền thông, quảng bá thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến, tăng doanh số bán hàng;

Bốn là, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Đơn vị được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án cho biết: “Sàn thương mại điện tử hợp nhất là mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ trung ương đến địa phương và cũng là địa điểm để chia sẻ, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc. Ngoài ra sàn thương mại điện tử hợp nhất còn cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng 01 nền tảng. Qua đó giúp doanh nghiệp, cá nhân phát triển thương mại điện tử, đồng thời tạo ra sự tập trung, thu hút được lượng lớn nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng”

Thời gian tới, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử sẽ kết nối sàn hợp nhất với các sàn nhánh để hoàn thiện hệ thống, tạo môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử.

Báo cáo “Vietnam: New E-Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026” của Facebook và Bain & Company dự báo trong thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.

Internet tạo ra được sàn giao dịch lên đến hàng triệu doanh nghiệp, hàng tỷ sản phẩm và lượng khách hàng khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia các sàn thương mại quốc tế. Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ trong thế hệ Gen Z. Đến năm 2050, Gen Z chính là đối tượng tiêu dùng chính và mua sắm chính, đây chính là tiềm năng lớn trong việc phát triển. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung. Bằng cách tổng hợp nhu cầu, các nền tảng có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tham gia sàn thương mại điện tử cần theo dõi xu hướng của thị trường, sẵn sàng chấp nhận thất bại từ sự thay đổi trong cách thức kinh doanh. Doanh nghiệp cũng phải sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm. Việc xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo là một ý tưởng giúp sản phẩm của doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử. Các chuyên gia nhận xét, trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024