Khu đất dự án rộng hàng nghìn mét vuông ở KĐT The Manor Central Park, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã biến thành sân tập lái xe ô tô trái phép.

Nguy hiểm rình rập

Lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng lớn đến xã hội và trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, cũng như bảo đảm an toàn giao thông.

Chính vì thế, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành và Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp - đổi GPLX.

Ngoài ra, Bộ GTVT còn thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của các sở GTVT. Việc kiểm tra này, Bộ GTVT yêu cầu xong hoàn tất trong tháng 4/2023.

Cụ thể, đoàn số 1 do Thanh tra Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Vụ Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Thông tin sẽ kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên.

Đoàn số 2 do Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Thông tin kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh.

Đoàn số 3 do Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, kiểm tra tại 31 tỉnh, thành phố còn lại.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV toà soạn Kinh doanh và Phát triển, thời gian gần đây, trước nhu cầu học lái xe của người dân tăng cao, một số cơ sở đào tạo sát hạch tại Hà Nội có dấu hiệu “cắt cúp” quy trình đào tạo, ngang nhiên biến đường phố tại các khu đô thị thành tập lái xe ô tô làm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, trong các ngày 23 và 24/2, tại các tuyến đường tại Khu đô thị The Manor Central Park, có địa chỉ tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì luôn có hàng chục xe ô tô tập lái cùng hoạt động.

Đơn cử các xe BKS: 30A - 202.23, 30F.985.26, 30E-196.58, 30G-782.33, 30H-923.28, 30F-821.05...Các xe này chủ yếu gắn biển của Trường trung cấp Ngọc Hà, Trung tâm Việt Thanh và Công ty Thành Đô.

Xe ô tô "tập lái" gắn biển trường Trung cấp Ngọc Hà để học viên vô tư đi ngược chiều trong quá trình đào tạo.

Những học viên ở đây cho biết, điểm tập lái này là do các trung tâm sát hạch cử lái xe và giáo viên đến đây giảng dạy, học viên không phải đến trường, bãi tập của các cơ sở.T

Theo quan sát, các bài tập được triển khai ở đây chủ yếu gồm ghép ngang, ghép dọc, lùi chuồng, đi đường trường...

Điều đáng nói là các mô hình được những người có liên quan vẽ ngay trên lòng đường, thậm chí nhiều điểm còn được đánh dấu bằng gạch, đá để chình ình ngay giữa lòng đường gây cản trở, mất ATGT.

Bên cạnh đó, dù chưa thành thục các thao tác, kỹ năng lái xe, nhiều giáo viên vẫn giao xe cho học viên tự quản lý, học tập trên đường; nhiều thời điểm xe tập lái chết máy, đứng chắn giữa đường, đi ngược chiều, không bật đèn xi nhan khi chuyển hướng... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Một số phương tiện cũ nát, có dấu hiệu hết "đát" cũng được sử dụng để thực hành lái xe trên đường.

Tại đô thị mới Pháp Vân, thuộc quận Hoàng Mai cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Ngày 25/2, trong lúc đi bộ tại tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông N.S (một người dân trong khu vực) hốt hoảng nhảy vội lên lề, né một xe tập lái đang đi nhanh, lao về phía ông. Ông S. cho hay: “Tình trạng ô tô vào đây tập lái đã diễn ra từ lâu. Mỗi ngày có hơn chục lượt ra vào, tập nhiều giờ liền. Họ ngang nhiên như chốn không người, có hôm họ lùi xe tông vào cây xanh ven đường”.

Chị L.T.T (34 tuổi, trú tại khu đô thị Pháp Vân) có con nhỏ học tại Trường Mầm non Hoa Ban phàn nàn: “Việc đưa ô tô vào khu dân cư dạy lái, đặc biệt là quanh trường học có nhiều trẻ em là hành động xem thường luật pháp. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng xe tập lái tại khu vực này. Đừng để xe tập lái gây TNGT chết người như ở Nam Định rồi mới ra quân xử lý thì đã quá muộn”.

Phớt lờ quy định hay buông lỏng quản lý?

Một cán bộ thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội cho hay, tại các khu đô thị của Thủ đô, việc tìm cung đường, bãi tập lái xe là không dễ dàng, nên nhiều học viên và giáo viên đã tìm đến các đoạn đường dài, các khu dân cư để tập lái.

Tình trạng này dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. “Theo quy định, tuyến đường mà ô tô tập lái được chạy phải do Bộ hoặc Sở Giao thông Vận tải quy định, nó thường là những tuyến đường vắng người. Do đó, việc đưa xe vào đường nội bộ khu dân cư tập lái là sai” - cán bộ cảnh sát giao thông thông tin.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cũng cho rằng, để giảm thiểu các vụ xe tập lái gây tai nạn, cần kiểm soát chặt quy trình đào tạo lái xe. Trước khi để các học viên tập lái trên đường, cần xem xét và đánh giá xem học viên ra đường chạy thử có đảm bảo các điều kiện an toàn hay không. “Về phía giáo viên, các thầy cũng cần đặt trách nhiệm thật cao trong công việc của mình. Bởi, chỉ cần có một sơ suất nhỏ trong việc dạy lái xe là phải trả giá rất đắt” - tiến sĩ Khương Kim Tạo nói.

Không chỉ chiếm dụng lòng đường, nhiều học viên còn được giao xe để tự điều khiển, học tập ngay trên tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Liên quan đến việc xe tập lái tại các khu dân cư, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội - thừa nhận, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng nhận được phản ánh của người dân về tình trạng một số ô tô gắn biển tập lái của một số cơ sở đào tạo lái xe, đã tập lái trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý địa bàn tăng cường kiểm tra đối với xe tập lái đang thực hiện giảng dạy thực hành lái trên đường và xử lý nghiêm”, vị đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.

Trước đó, tại Nam Định đã xảy ra vụ TNGT khi học viên tập lái xe còn giáo viên dạy lái đi uống nước, khiến 1 cháu bé 5 tuổi tử vong.

Cụ thể, khoảng 17h chiều 11/8/2022, cháu N.T.T (5 tuổi, trú tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) được chị họ (11 tuổi) chở trên chiếc xe đạp, di chuyển trên tuyến đường của Khu dân cư tập trung Hải Thanh, xã Hải Thanh (huyện Hải Hậu) thì bị Lê Thị Dung (32 tuổi, trú tại xóm 2, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, Nam Định) điều khiển xe ô tô tập lái của Trường Trung cấp Đại Lâm có địa chỉ tại phường Lộc Hạ, TP. Nam Định đâm vào. Hậu quả làm cháu T tử vong.

Thời điểm này, Đinh Công Thành (59 tuổi, trú tại xóm Cầu Đôi, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định) không có trong xe mà đang ngồi phía ngoài uống nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu (Nam Định) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Thị Dung về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật Hình sự; khởi tố Đinh Công Thành về tội "Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.