ISSN-2815-5823
Thứ hai, 03h08 13/09/2021

Thách thức cho ngành da giày và dệt may

(KDPT) – Sau gần 2 năm bùng phát, dịch C ovid -19 đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành công nghiệp “tỷ đô” của Việt Nam là dệt may và da giày . Sự sụt giảm sản xuất của h ai ngành này cũng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8/2021 của Việt Nam giảm 5,4% so với cùng kỳ 2020…

Ảnh minh hoạ.

Khó khăn chồng chất

Theo HSBC, “niềm đau” chủ yếu nằm ở ngành da giày và dệt may, do khu vực Đông Nam Bộ là khu vực đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới. Sự sụt giảm sản xuất của ai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của cả nước trong tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ 2020.

Đợt bùng dịch thứ 4 do biến chủng Delta trở nên nặng nề dẫn đến siết chặt giãn cách ở TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Không ngạc nhiên khi tiêu dùng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đó. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt doanh số bán lẻ tháng 8 năm nay thấp hơn 10% so với tháng 4 năm ngoái.

Nhưng điều đáng báo động hơn là động lực phát triển bên ngoài bị “hụt hơi”. Lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong khi một số ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng, và sự đứt gãy về sản xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, tác động của “cơn bão” Covid-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động… Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng công suất chỉ ở mức 50% so với bình thường, do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn. Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác.

Để giữ đơn hàng cho năm tới, các doanh nghiệp đã cố xoay xở, tìm nhiều giải pháp. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam đã đề xuất phương án mở cửa sản xuất với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đưa lao động vào sản xuất không quá 30% công suất trong 2 tuần đầu, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 với 50% và 70% công suất.

Tương tự, ngành dệt may cũng đang “chật vật” cố gắng hoàn thành các đơn hàng đã nhận và duy trì các đơn hàng với khách. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa ra dự báo không mấy khả quan: Với kịch bản tốt nhất thì năm nay xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD, trong khi mục tiêu ban đầu đặt ra năm 2021 sẽ xuất khẩu khoảng 39-39,5 tỷ USD sản phẩm dệt may.

Theo tính toán sơ bộ, một doanh nghiệp may với 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu, bình quân là 10 tỷ đồng. Hay 1 doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng 5-10%. Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.

Từng bước khắc phục

Mặc dù đã rất nỗ lực, tuy nhiên triển vọng đạt mục tiêu của 2 ngành trong năm nay không mấy khả quan. Bộ Công Thương ước tính, năm 2021 sản lượng một số mặt hàng chính của hai ngành đều sụt giảm và thấp hơn so với mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí, trong năm 2022, sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn nhận định, khả năng tới năm 2022 vẫn chưa thể khẳng định sẽ hoàn toàn sản xuất bình thường, có thể lại có giai đoạn bị giãn cách, thậm chí cách ly, ảnh hưởng tới sản xuất. Doanh nghiệp cũng phải lưu ý trước xu thế gia tăng kinh doanh trực tuyến, cắt khâu trung gian, kéo dài thời gian thanh toán. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng, để đối tác chuyển sang nước khác là sự thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương cho biết đã bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng các giải pháp dài hạn, cải thiện nội tại sản xuất, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.

Bộ Công Thương cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành; Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro, đồng thời bảo đảm được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

NGUYỄN NGÂN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/09/2024