ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 06h03 17/08/2024

Thách thức và cơ hội chờ đón thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(KDPT) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện có nhiều biến động, việc khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là điều cần thiết lúc này.

Bối cảnh thị trường trái phiếu hiện nay

Sáng 16/8 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Phạm Đức Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: Từ giữa năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động, hàng loạt các vụ án lớn bị phát hiện, xử lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lao dốc, một thời gian gần như đóng băng.

Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn, thị trường TPDN từ đầu năm đến nay đã từng bước phục hồi. Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm, đã có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường trái phiếu ấm dần.

Ông Phạm Đức Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư. (Ảnh:Trọng Hiếu).
Ông Phạm Đức Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư. (Ảnh:Trọng Hiếu).

Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, theo ước tính của một số đơn vị, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370 nghìn tỷ đồng TPDN phát hành mới. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.

Tại các quốc gia phát triển, thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu là 3 trụ cột nguồn vốn tài trợ cho nền kinh tế. Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn. Số liệu thống kê của các cơ quan nghiên cứu cho thấy, nhiều quốc gia phát triển có thị trường trái phiếu đạt quy mô 50-70% GDP.

Một số nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Malaysia, quy mô thị trường trái phiếu cũng lên tới 26-54% GDP. Trong khi đó, Việt Nam tới cuối tháng 3/2024 đạt chưa tới 10% GDP. Ông Sơn cho biết.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mang đến cơ hội...

Phát biểu tại hội thảo, TS. Cấn Văn lực cho rằng thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức và chúng cần nhận diện đầy đủ.

Một là, vấn đề niềm tin cần thời gian để phục hồi. Mặc dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường TPDN thời gian qua nhưng cần nhiều thời gian để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Hai là, rủi ro TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao. Theo VIS Ratings ước tính, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Kỳ vọng với đà kinh tế tăng trưởng khá cao năm 2024-2025 và đà phục hồi SXKD, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (nhất là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần.

Ba là, rủi ro lan truyền và liên thông giữa thị trường ngân hàng - chứng khoán - bất động sản vẫn luôn tiềm ẩn.

Bốn là, quy mô của thị trường còn nhỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm là, thị trường TPDN đang phát triển chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ. Theo VBMA, tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92% và con số của giai đoạn trước cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn.

Sáu là, cơ cấu nhà đầu tư TPDN còn nhiều bất cập. NHTM hiện nay đang là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… còn chiếm tỷ trọng nhỏ.

Bảy là, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư… chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời; hệ thống giao dịch TPDN tập trung mới đưa vào vận hành được hơn 1 năm..., cũng có ảnh hưởng đến công tác quản lý và tính thanh khoản của thị trường.

Tám là, việc áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định cao hơn, liệu có còn là rào cản đối với phát hành TPDN riêng lẻ hay không là chưa rõ do chưa có rà soát, khảo sát hay đánh giá cụ thể kể từ khi quay lại áp dụng từ đầu năm 2024 đến này.

Chín là, nhận thức và mức độ hiểu biết của nhà đầu tư chứng khoán nói chung và TPDN nói riêng còn hạn chế, dẫn đến dễ xảy ra tâm lý đám đông, đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất, bất chấp rủi ro...

Thách thức, rủi ro và giải pháp khắc phục

TS. Cấn Văn Lực đề cập các giải pháp để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam: Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 là tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN.

Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....

Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.

Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường TPDN, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.

Phấn đấu quy mô thị trường đến 2030 đạt 30% GDP

Theo ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau thời kỳ trầm lắng, một số sai phạm trên TTTP doanh nghiệp riêng lẻ, với nỗ lực chỉ tạo từ Chính phủ, bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường trái phiếu đã đi vào hoạt động ổn định.

Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: Trọng Hiếu)
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Trong 7 tháng đầu năm có 183 đợt phát hành thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023. Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, Uỷ ban Chứng khoán đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của CTCK và công ty quản lý quỹ).

Theo mục tiêu phát triển TTTP được Chính phủ phê duyệt, quy mô thị trường đến 2025 đạt 20% GDP và đến 2030 đạt 30% GDP.

Để đạt được mục tiêu này không dễ dàng. Bởi làm sao để quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững song vẫn tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn. Ngoài cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia vào TTTP còn có đơn vị phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ, tư vấn và nhà đầu tư.

Chúng ta cần nâng tính chuyên nghiệp của mỗi chủ thể lên. Đặc biệt, UBCKNN sắp tới sửa nghị định 155. Quốc hội vừa cho phép Chính phủ làm 1 luật sửa nhiều luật. Bộ Tài chính đang trình sửa 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán, ông Thu nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024